Câu chuyện doanh nghiệp (DN) thiếu hụt nguồn lao động phổ thông đã xảy ra từ nhiều năm nay. Đặc biệt, đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh vừa qua, Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhiều người lao động (NLĐ) bị mất việc, tạm ngừng việc không chịu đựng nổi cảnh thiếu thốn trong những khu nhà trọ chật hẹp đã rủ nhau về quê tránh dịch khiến các DN trong giai đoạn phục hồi sản xuất càng thiếu lao động trầm trọng hơn.
Câu chuyện doanh nghiệp (DN) thiếu hụt nguồn lao động phổ thông đã xảy ra từ nhiều năm nay. Đặc biệt, đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh vừa qua, Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhiều người lao động (NLĐ) bị mất việc, tạm ngừng việc không chịu đựng nổi cảnh thiếu thốn trong những khu nhà trọ chật hẹp đã rủ nhau về quê tránh dịch khiến các DN trong giai đoạn phục hồi sản xuất càng thiếu lao động trầm trọng hơn.
Còn nhớ 20-30 năm trước, khi các nhà máy lần lượt mọc lên trong các khu công nghiệp, Đồng Nai cũng như Bình Dương, TP.HCM… trở thành “miền đất hứa”, thu hút rất nhiều NLĐ từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên đến làm việc, sinh sống. Cùng với lao động địa phương, lực lượng lao động nhập cư đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thế nhưng, khi các tỉnh miền Bắc, miền Trung… mở rộng thu hút đầu tư, các khu công nghiệp lần lượt được hình thành tại các địa phương này thì bắt đầu có sự dịch chuyển lao động từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM về các tỉnh miền Bắc, miền Trung… Bởi làm phép so sánh, NLĐ trở về quê làm việc tuy thu nhập có thể thấp hơn nhưng bớt được tiền nhà trọ, tiền đi lại và các khoản chi phí sinh hoạt đắt đỏ khác so với ở đô thị phát triển như Đồng Nai.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, tỉnh Đồng Nai đã nhận thấy điều đó từ lâu nên trong chính sách thu hút đầu tư đặc biệt ưu tiên lựa chọn các DN có công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ kết nối với trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh nhằm kết nối, hỗ trợ DN tuyển dụng lao động; tăng cường tổ chức thực hiện các chế độ, hoạt động chăm lo cho NLĐ…
Với người sử dụng lao động, bản thân mỗi DN cũng có nhiều cách tuyển dụng lao động như thông báo trước cổng công ty, trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông; thưởng tiền cho công nhân giới thiệu người quen vào công ty làm việc; thông qua các sàn giao dịch việc làm, thậm chí về tận các địa phương tuyển lao động. Bên cạnh đó là quan tâm chăm lo các chế độ, chính sách để NLĐ gắn bó với DN, tích cực lao động như: trả lương phù hợp, tăng lương định kỳ, tiến hành thưởng năng suất, tăng giá trị bữa ăn ca và các chế độ phúc lợi khác…
Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ với NLĐ. Bên cạnh nhu cầu vật chất, NLĐ cũng cần được chăm lo về mặt tinh thần. Sau những ngày lao động vất vả trong nhà xưởng, NLĐ cũng cần được vui chơi, giải trí để tái sản xuất sức lao động; đặc biệt là một nơi ở tươm tất cho gia đình, một ngôi trường khang trang để con cái học hành… Thỏa mãn được những điều đó thì NLĐ mới có thể gắn bó với DN, với mảnh đất Đồng Nai để an cư lạc nghiệp và DN sẽ không phải vất vả ngược xuôi tìm lao động.
Phạm Mai