Gần 2 tháng nay, bữa cơm của nhiều gia đình công nhân đạm bạc hơn trước. Nguyên nhân, giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm đều tăng, trong khi thu nhập của công nhân không tăng. Hơn nữa, sau tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết công nhân đều gặp khó khăn do vốn tích lũy không còn nhưng nhiều khoản vẫn phải chi tiêu, không thể cắt bỏ.
Gần 2 tháng nay, bữa cơm của nhiều gia đình công nhân đạm bạc hơn trước. Nguyên nhân, giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm đều tăng, trong khi thu nhập của công nhân không tăng. Hơn nữa, sau tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết công nhân đều gặp khó khăn do vốn tích lũy không còn nhưng nhiều khoản vẫn phải chi tiêu, không thể cắt bỏ.
Nhiều công nhân tâm sự rằng, khi quay lại doanh nghiệp (DN) làm việc sau thời gian dài tạm nghỉ việc do dịch bệnh, họ đều hy vọng mọi chuyện sẽ trở về như trước kia. Nghĩa là, có một công việc ổn định, thu nhập chưa cao nhưng chắt bóp cũng đủ tiền trang trải tiền nhà trọ, học phí cho con và những khoản sinh hoạt phí trong gia đình. Thế nhưng, cơn bão giá bất ngờ ập đến khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn, cố gắng lắm vẫn thiếu trước hụt sau. Dù miệt mài làm tăng ca, thậm chí thêm cả nghề tay trái nhưng với đà tăng giá như hiện nay, cuộc sống của người lao động (NLĐ) ngày càng khó khăn.
Thấu hiểu khó khăn này, thời gian qua, nhiều DN và tổ chức Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã dành sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để NLĐ được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi nhằm động viên công nhân yên tâm làm việc. Công đoàn cơ sở ở nhiều DN còn phối hợp với chủ DN, tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh cho NLĐ vay tiêu dùng để hạn chế tình trạng NLĐ vì quá khó khăn phải tìm đến “tín dụng đen”. Với những NLĐ có hoàn cảnh quá khó khăn, DN và NLĐ cùng cộng đồng bằng sự tương thân tương ái, kịp thời trợ giúp bằng những phần quà nghĩa tình.
Chính từ thực tế đó mà việc NLĐ sẽ được tăng thêm 6% mức lương tối thiểu hiện hành từ ngày 1-7 tới đây thực sự có ý nghĩa. Mặc dù, mức tăng lương không nhiều, song trong thời điểm giá cả leo thang, đời sống chật vật, tăng được đồng nào với NLĐ là đáng quý đồng ấy. Do vậy mà tâm lý chung của NLĐ trong thời điểm này là rất háo hức mong chờ.
Tuy nhiên, về lâu dài, bên cạnh chính sách về tiền lương, thu nhập đảm bảo được mức sống tối thiểu, NLĐ mong muốn lạm phát sớm được kiểm soát để tránh tình trạng vật giá leo thang tiếp tục làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Bởi, với phần đông lao động xa quê phải ở trọ, nhiều khoản phải chi tiêu nhưng mức lương thấp, thu nhập tăng thêm ít ỏi nên dù có nhiều năm gắn bó nhưng NLĐ vẫn không khỏi cảm thấy chạnh lòng và sẽ không yên tâm để làm việc và cống hiến. DN cũng dễ mất đi nguồn lực đã có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản suốt một thời gian dài…
Tăng lương tối thiểu ở thời điểm này là một giải pháp hữu hiệu giúp NLĐ giảm bớt một phần khó khăn, có cuộc sống ổn định và ngày một tốt hơn.
Minh Ngọc