Ngay sau khi thông tin trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 được triển khai ở bậc THPT, bắt đầu với lớp 10 tới đây, môn Lịch sử sẽ trở thành môn học tự chọn...
Ngay sau khi thông tin trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 được triển khai ở bậc THPT trên toàn quốc, bắt đầu với lớp 10 tới đây, môn Lịch sử sẽ trở thành môn học tự chọn thay vì bắt buộc như trước, dư luận cả nước diễn ra cuộc tranh luận gay gắt, người đồng tình thì cho rằng đây là sự đổi mới rất đáng ghi nhận nhưng hầu hết các ý kiến phản đối đều lo ngại nếu lịch sử là môn học tự chọn, rất có thể sẽ có rất ít học sinh đăng ký học môn này, đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ quay lưng, thờ ơ với lịch sử dân tộc.
Không ít cuộc tranh luận đã nổ ra trên khắp các diễn đàn. Đặc biệt, cử tri cả nước đã bày tỏ ý kiến lo ngại gửi gắm các đại biểu Quốc hội tại những cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội liên quan đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có môn Lịch sử. Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT khẩn trương tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp đồng thời làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để xã hội được cập nhật đầy đủ hơn đối với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh.
Trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước rất coi trọng lịch sử dân tộc, gắn liền với bảo tồn các di sản, công trình lịch sử, văn hóa, trong đó quan tâm đến nghiên cứu lịch sử, giáo dục lịch sử. Vì vậy, những vướng mắc, tranh luận về học môn Lịch sử hiện nay cần được các cơ quan chuyên môn trao đổi, thống nhất, tìm ra một cách tốt nhất, tinh thần là quan tâm đến vị thế, vị trí của môn Lịch sử.
Cũng theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, căn nguyên nhiều thanh, thiếu niên chưa yêu thích môn Lịch sử hiện nay là do chưa có phương pháp, cách thức truyền đạt hấp dẫn, hiệu quả, còn thiếu những truyện, phim lịch sử sinh động, những phương pháp sư phạm truyền cảm hứng... Do đó, cần đổi mới phương pháp học tập môn Lịch sử hơn nữa trong nhà trường và trong cộng đồng xã hội, để mỗi người dân đều hiểu rõ về gốc tích của mình, về truyền thống dân tộc, giá trị lịch sử, những nền tảng và tư tưởng dựng nước và giữ nước của cha ông.
Sinh thời Bác Hồ kính yêu từng nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Học lịch sử không chỉ là hiểu về quá khứ, lịch sử dân tộc để bồi đắp thêm niềm tự hào, mà từ đó, mỗi người nhận thấy trách nhiệm của mình với tương lai, sự phát triển của đất nước. Vì thế, lịch sử phải là môn học có vị trí quan trọng trong các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT tới đây.
M.N