Là loại năng lượng tái tạo, năng lượng "xanh" được Chính phủ khuyến khích đầu tư, nhưng 1-2 năm nay, các dự án đầu tư điện mặt trời đang gặp rất nhiều ách tắc về thủ tục pháp lý.
Là loại năng lượng tái tạo, năng lượng “xanh” được Chính phủ khuyến khích đầu tư, nhưng 1-2 năm nay, các dự án đầu tư điện mặt trời ở nhiều cấp độ, quy mô (mái nhà riêng lẻ, trang trại, nhà xưởng trong các khu công nghiệp...) đang gặp rất nhiều ách tắc về thủ tục pháp lý. Cụ thể đó là các vướng mắc về giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, các thủ tục về môi trường và phòng cháy chữa cháy...
Những vướng mắc, thiếu thốn về các thủ tục pháp lý này đã tồn tại từ khá lâu và vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi đó, các dự án điện mặt trời lại phát triển như “vũ bão” vào các năm 2020 và 2021. Từ tháng 3-2022 đến nay, tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và hầu hết các tỉnh phía Nam, ngành điện tạm ngưng thanh toán cho các công trình điện mặt trời mái nhà và yêu cầu nhà đầu tư bổ sung đủ hồ sơ thủ tục theo quy định hiện hành. Điều này dẫn đến nhiều nhà đầu tư phản ứng do bị ngưng thanh toán làm “đứt gãy” dòng tiền, dẫn đến nguy cơ phá sản vì nhiều nhà đầu tư đã vay ngân hàng để đầu tư các dự án điện mặt trời.
Tất cả những vướng mắc này hiện đang được Chính phủ, Bộ Công thương và chính quyền các địa phương tìm hướng tháo gỡ để hài hòa lợi ích các bên mà vẫn đúng theo các quy định pháp luật.
Ngoài ra, cũng cần cân nhắc nguyên nhân khiến các dự án điện mặt trời “ào ào” phát triển trong thời gian qua. Thực tế, theo Bộ Công thương, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cần được hiểu theo hướng sử dụng điện tiết kiệm. Nghĩa là các hộ gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp… có thể tận dụng mái nhà để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm giảm bớt áp lực cho ngành điện; tiết giảm chi phí tiền điện hằng tháng, góp phần bảo vệ môi trường. Sau cùng, nếu nguồn điện thừa mới bán lại cho ngành điện.
Do đó, mục đích tiết kiệm điện phải đặt lên hàng đầu. Song trong quá trình triển khai, nhiều chủ đầu tư lại đặt mục tiêu kinh doanh điện lên cao hơn, khiến phong trào đầu tư điện mặt trời ào ạt mà thiếu cân nhắc đến các yếu tố hệ trọng khác như: an toàn mạng lưới điện, tính chất phân phối hay kinh doanh đặc thù của ngành điện, các thủ tục bắt buộc phải có về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy (mà không một dự án kinh doanh nào thuộc bất kỳ ngành nghề nào được “ưu tiên”). Quyết định13/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành”.
Ở một góc độ nào đó, suy nghĩ nặng về kinh doanh thay vì đầu tư cho mục đích tiết kiệm điện đã góp phần dẫn đến nhiều vướng mắc, tồn tại liên quan đến phát triển điện mặt trời tại nhiều địa phương thời gian qua.
Chính vì vậy, ngoài việc tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn giúp các chủ đầu tư hoàn thành thủ tục theo đúng quy định hiện hành, đẩy nhanh tiến độ hồ sơ cho các dự án đang vướng mắc thì nên chăng, cần có một sự nhìn nhận đúng mức, đúng thực tế về mục đích đầu tư điện mặt trời của nhiều chủ đầu tư.
V.L