"Hết sức cần thiết" là lời khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khi trả lời phỏng vấn báo chí về việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Hết sức cần thiết” là lời khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khi trả lời phỏng vấn báo chí về việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lần đầu tiên có một nghị quyết “chuyên ngành” về phát triển đô thị được ban hành nên thu hút nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền các địa phương trong cả nước.
Nghị quyết 06 đã đề ra mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu về thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững phải cơ bản được hoàn thiện.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị…
Phát biểu tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 vào tháng 5-2022 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng. Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, quan trọng nhất là phải lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng để phát triển.
Những yêu cầu, mục tiêu này không nằm ngoài xu thế phát triển mong muốn của các đô thị trong cả nước. Nhưng so với thực tế phát triển của nhiều đô thị tại Việt Nam, có lẽ sẽ còn nhiều việc phải làm, nhiều nguồn lực phải huy động mới có thể hình thành nên những đô thị sạch đẹp, vận hành hiệu quả và giúp nâng cao chất lượng sống của người dân.
Trong bối cảnh hiện tại, những “ngổn ngang” của nhiều đô thị vẫn chưa được giải quyết hiệu quả: ngập nước, kẹt xe, phát triển tự phát, quy hoạch không theo kịp thực tế… Ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, những “ngổn ngang” nói trên còn đậm nét hơn khi số lượng người lao động ngoại tỉnh “đổ” vào địa phương mỗi năm một nhiều và quy hoạch, xây dựng các khu đô thị không theo kịp nhu cầu thực tế.
Mặc dù vậy, định hướng đã rõ, yêu cầu cũng đã rõ, các địa phương sẽ phải sắp xếp, tính toán kỹ càng về thực trạng đô thị, nguồn lực phát triển… để hình thành nên các đô thị văn minh, hiện đại đúng như tinh thần nghị quyết đề ra.
V.L