Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

07:07, 04/07/2022

Một trong những câu hỏi chất vấn đặt ra cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6 vừa qua được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét là "câu hỏi hay, cũng là vấn đề lần đầu tiên được đặt ra tại nghị trường Quốc hội" là về khả năng nới hay tiếp tục thắt "room tín dụng" của hệ thống ngân hàng, đến từ đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai).

Một trong những câu hỏi chất vấn đặt ra cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6 vừa qua được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét là “câu hỏi hay, cũng là vấn đề lần đầu tiên được đặt ra tại nghị trường Quốc hội” là về khả năng nới hay tiếp tục thắt “room tín dụng” của hệ thống ngân hàng, đến từ đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai).

Room tín dụng được hiểu nôm na như một hạn mức mà các ngân hàng được phép cho vay, hết hạn mức thì không thể cho vay tiếp trừ khi NHNN cho phép “nới”. Đây là một công cụ quản lý mà NHNN đã áp dụng hơn 10 năm nay để dòng tiền không “đổ” vào thị trường quá nhiều, bởi nó có thể gây nhiều hệ lụy.

Nhưng room tín dụng hiện tại cũng như chiếc “vòng kim cô” tại nhiều ngân hàng, khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp lớn song không thể giải ngân vì room đã đụng trần. Điều này đang gây ra một nghịch lý trên thị trường khi Chính phủ đang yêu cầu hệ thống ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay (giảm 2%) để doanh nghiệp có tiền phục hồi sản xuất.

Nhưng, giảm lãi suất có ý nghĩa gì nếu tại nhiều ngân hàng, room tín dụng đã gần như đụng trần và không thể tiếp tục giải ngân các khoản vay?

Còn nhớ, ngày 11-1-2022, ngay sau khi kết thúc 1 năm sóng gió do hậu quả của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và ngay sau đó, ngày 30-1, Chính phủ cũng có nghị quyết riêng để triển khai Nghị quyết 43 này. Và đến ngày 20-5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục có Nghị định 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Khối doanh nghiệp hiện đang mong ngóng giải ngân vốn để có tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh, song thực tế kể cả có đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được hỗ trợ lãi suất theo quy định thì vẫn phải chờ NHNN xem xét “nới” room. Do đó, trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được ưu đãi này.

NHNN cho biết vẫn sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất theo hướng thận trọng, tuy nhiên sẽ “nới” room cho những ngân hàng có “sức khỏe” tốt, đồng thời “lái” dòng vốn đi vào đúng các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ. Điều này không sai, nhưng phải thừa nhận rằng, để đi vào thực tế và dòng vốn giá rẻ “chảy” vào đúng các doanh nghiệp đang cần, vào đúng các lĩnh vực ưu tiên trong quá trình phục hồi kinh tế, thì sẽ mất thêm thời gian, trong khi đã qua nửa cuối của năm 2022 và doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp để các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển động nhanh hơn, chính xác hơn, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, tránh việc chính sách hỗ trợ thì nhiều nhưng thực tế số doanh nghiệp được hưởng lại không nhiều.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều