Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra hơn 5,7 ngàn vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm 2021, số người chết tăng 2,44% (79 người), số vụ giảm 10,41% (663 vụ), số người bị thương giảm 17,69% (793 người).
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra hơn 5,7 ngàn vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm 2021, số người chết tăng 2,44% (79 người), số vụ giảm 10,41% (663 vụ), số người bị thương giảm 17,69% (793 người).
Nguyên nhân xảy ra TNGT được Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá đa phần do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; không quan sát; chuyển hướng không chú ý; không giữ khoảng cách an toàn; vượt xe sai quy định; vi phạm tốc độ xe chạy; sử dụng rượu, bia…
Tương tự, tại Đồng Nai, theo Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT cũng chủ yếu do người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát, lấn trái đường; chuyển hướng sai quy định…
Qua đó cho thấy, phần lớn nguyên nhân xảy ra TNGT là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Chỉ một chút lơ là, thiếu chú ý, quan sát; chủ quan hoặc cố ý không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã có hơn 7 ngàn người thương vong vì TNGT. Kéo theo đó là hàng ngàn gia đình phải chịu nỗi đau ly biệt, bệnh tật kéo dài, tài chính khánh kiệt…
Các nguyên nhân gây TNGT nêu trên hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về giao thông, cũng như văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. Muốn vậy, công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu và đòi hỏi cần có sự đổi mới, sinh động, thiết thực và phù hợp hơn nữa trong thời gian tới.
Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền đối với nhóm người thường xuyên điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường như: công chức, viên chức, công nhân, nhân viên, nhất là nhóm nhân viên trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; học sinh, sinh viên… Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền trực tuyến hoặc qua mạng xã hội thông qua những vụ TNGT, câu chuyện hậu TNGT thực tế, sinh động để mọi người biết, rút kinh nghiệm.
Song song đó, việc tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm giao thông, nhất là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT cũng rất quan trọng nhằm răn đe, giáo dục người tham gia giao thông không vi phạm. Đặc biệt, trong quá trình tuần tra kiểm soát giao thông của lực lượng chức năng cũng cần kết hợp sử dụng mật phục, tiếp nhận tin báo của người dân về các trường hợp vi phạm trật tự ATGT; tăng ca vào những khung giờ, địa bàn thường xảy ra TNGT.
Một khi ý thức của người tham gia giao thông tăng cao, trách nhiệm của các ngành chức năng được tăng cường, chắc chắn TNGT và nỗi đau về TNGT sẽ kéo giảm rõ rệt.
Đặng Ngọc