GRDP tăng 7,06% so với cùng kỳ năm trước và trở thành địa phương đứng đầu vùng Đông Nam bộ về tăng trưởng kinh tế là một kết quả thực sự đáng ghi nhận của Đồng Nai trong bối cảnh nhiều khó khăn đang "bủa vây" do nhiều yếu tố khách quan.
GRDP tăng 7,06% so với cùng kỳ năm trước và trở thành địa phương đứng đầu vùng Đông Nam bộ về tăng trưởng kinh tế là một kết quả thực sự đáng ghi nhận của Đồng Nai trong bối cảnh nhiều khó khăn đang “bủa vây” do nhiều yếu tố khách quan. Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm với các địa phương trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được.
Cụ thể, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và các nước châu Âu đứng trước nguy cơ lạm phát cao đi kèm suy giảm kinh tế và điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế có giao thương lớn như Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định những thách thức trong nước cũng không hề nhỏ, nhất là khi cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân đã tốn nhiều công sức, tiền bạc vào “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 trước đó. Từ đầu năm 2022, nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao, tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP cả nước trong 6 tháng ước tăng 6,42%, cao hơn so với dự kiến kịch bản, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Tại Đồng Nai, nhiều tín hiệu sáng cũng xuất hiện: xuất khẩu đạt hơn 13,2 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ; xuất siêu trên 3,1 tỷ USD, trong khi cả nước xuất siêu hơn 700 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 14%; huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 14,3%...
Tất cả những thành quả này được cho là sẽ tạo đà cho những tháng cuối năm 2022, năm quan trọng để phục hồi kinh tế - xã hội sau 2 năm dịch bệnh căng thẳng và tạo đà cho những năm tới.
Đã bước sang quý III-2022, nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có khả năng suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước trên thế giới. Chưa kể nhiều đối tác, quốc gia lớn thay đổi chính sách về kinh tế và chống dịch. Tất cả những yếu tố này đều nên được dự báo kỹ càng, có giải pháp phòng bị và ứng phó nhằm bảo vệ và phát huy những thành quả đã đạt được, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và đến “sức khỏe” của doanh nghiệp nói riêng.
V.L