Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính chuyện lâu dài

03:07, 08/07/2022

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá heo, gà liên tục tăng. Hiện heo hơi bán tại trại có giá từ 59-61 ngàn đồng/kg, tăng từ 3-5 ngàn đồng/kg so với cuối tháng 6. Giá gà công nghiệp hiện dao động từ 38-41 ngàn đồng/kg, tăng thêm từ 2-3 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng 7 và đang ở mức cao kỷ lục trong vòng vài năm trở lại đây.

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá heo, gà liên tục tăng. Hiện heo hơi bán tại trại có giá từ 59-61 ngàn đồng/kg, tăng từ 3-5 ngàn đồng/kg so với cuối tháng 6. Giá gà công nghiệp hiện dao động từ 38-41 ngàn đồng/kg, tăng thêm từ 2-3 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng 7 và đang ở mức cao kỷ lục trong vòng vài năm trở lại đây.

Giá thịt gà tại nhiều nước cũng đã tăng vọt trong những tháng gần đây. Tại một số nước lân cận Việt Nam, giá heo hơi cũng đang đứng ở mức rất cao như: Trung Quốc hiện là 83,2 ngàn đồng/kg, Thái Lan 68,7 ngàn đồng/kg… (nguồn: Hội Chăn nuôi Việt Nam).

Nguyên nhân giá sản phẩm chăn nuôi liên tục theo đà tăng cao vì ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi. Theo phản ảnh của người chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi vừa có đợt tăng giá mới và là đợt điều chỉnh tăng giá lần thứ 6 trong năm 2022 và là lần thứ 17 kể từ năm 2020 đến nay.

Dự báo xu hướng tăng giá nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022 và đến nửa đầu năm 2023 do nhiều nguyên nhân như: căng thẳng xung đột Nga - Ukraine làm tăng giá năng lượng cũng như nhu cầu dự trữ lương thực của châu Âu, khiến giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng; chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc cũng khiến cho việc tăng giá cước vận chuyển, tăng giá các nguyên liệu…

Trước thực tế này, ngành chăn nuôi Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề: giảm chi phí nhập khẩu của nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bền vững nhất là phải tăng cường sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương cũng như nguồn phế phụ phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Về đầu ra, với chi phí tăng mạnh như hiện nay, chưa hẳn chỉ tập trung vào xuất khẩu đã là tốt. Sự cạnh tranh khốc liệt ở các thị trường khác cũng đang khiến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải vất vả tìm đầu ra giá tốt, đôi khi “mải mê” mà “quên” rằng thị trường trong nước vẫn là một sân chơi lớn cần được quan tâm. Dân số đông và thu nhập bình quân đầu người tăng sẽ khiến thị trường nội địa Việt Nam ngày một hấp dẫn hơn trong mắt các DN quốc tế. Vậy cho nên DN, nông dân Việt Nam cần phải quan tâm mạnh mẽ hơn đến việc xây dựng hệ thống phân phối và tìm hướng chiếm lĩnh thị trường nội địa một cách lâu dài, bền vững.

Thống kê sơ bộ của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 50 dự án chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao và chăn nuôi theo quy trình khép kín được các DN trong và ngoài nước đầu tư, với số vốn lên tới hàng tỷ USD. Nhờ đầu tư bài bản, quy trình sản xuất khép kín, không ít DN đã khẳng định được vị thế như: Dabaco, GREENFEED, Nova Consumer, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… Hy vọng ngày càng có nhiều DN tham gia thị trường, lớn mạnh để “dẫn dắt” DN và nông dân trong nước chiếm lĩnh sân nhà.

V.L

Tin xem nhiều