Cả nước hiện có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300 ngàn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương - bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích chiến tranh.
Cả nước hiện có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300 ngàn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương - bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích chiến tranh. Vì vậy, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm tri ân công lao của các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng nhằm thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn luôn được quan tâm và thực hiện thường xuyên, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ hằng năm.
Có thể nói, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thời gian qua là một hành trình thiêng liêng, được các đơn vị chức năng trong cả nước thực hiện bài bản, chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Như tại Đồng Nai, nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng, miệt mài tìm kiếm, nhiều liệt sĩ đã được trở về với gia đình hoặc thờ cúng ở nghĩa trang cùng đồng đội. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn có sự tham gia, chung tay của nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Chỉ cần ở đâu có thông tin về mộ phần liệt sĩ, xác định được độ chính xác, hành trình đưa các cô, chú về với gia đình được gần hơn.
Bên cạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong những năm qua, công tác chăm lo cho người có công và gia đình người có công được đặc biệt chú trọng. Nhiều chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Điều này đã góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, động viên, cổ vũ người có công và gia đình người có công vươn lên có cuộc sống vật chất và tinh thần đảm bảo. Ở nhiều địa phương của Đồng Nai đã triển khai được những mô hình chăm sóc người có công hiệu quả, thể hiện truyền thống Ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc. Cụ thể như xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa; chăm sóc, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ vốn cho thương - bệnh binh…
Không hiếm những tấm gương thương - bệnh binh, dù còn mang trong mình dấu tích chiến tranh nhưng luôn vươn lên, là những điển hình trong lao động sản xuất, tích cực tham gia công tác tại địa phương, làm giàu cho mình, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội. Những anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc năm xưa nay đi đầu trong các phong trào thi đua, luôn giữ vững và phát huy phẩm chất đáng quý của người lính Cụ Hồ, “tàn nhưng không phế”…
Tại buổi gặp mặt thân mật các đại biểu người có công tiêu biểu trong toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các đồng chí thương - bệnh binh, người có công và gia đình người có công. Họ đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, học tập…, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Minh Ngọc