Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2022-2023, Đồng Nai có trên 743 ngàn học sinh, tăng hơn 22 ngàn học sinh so với năm học trước.
Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2022-2023, Đồng Nai có trên 743 ngàn học sinh, tăng hơn 22 ngàn học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, biên chế giáo viên không được tăng thêm, số cơ sở trường học ở tất cả các bậc học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về sĩ số/lớp học. Ở một số địa bàn trọng điểm của TP.Biên Hòa vẫn có đến 45-50 học sinh/lớp khiến công tác dạy và học ít nhiều bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, dù còn nhiều khó khăn song thời gian qua, đặc biệt là 2 năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì hoạt động dạy và học. Chính vì vậy mà chất lượng giáo dục vẫn được đảm bảo, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 96,84%. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục nhằm không để bất kỳ một học sinh nào phải nghỉ học do không đủ trường lớp. Nhiều địa phương như TP.Long Khánh, H.Xuân Lộc… có hệ thống trường lớp khá khang trang, hiện đại, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của trường chuẩn quốc gia. Việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo doanh nghiệp có uy tín trên lĩnh vực này. Nhờ vậy, Đồng Nai hiện là địa phương có hệ thống giáo dục ngoài công lập khá phát triển với đầy đủ các cấp học và chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, Đồng Nai đứng trước áp lực khá lớn về trường lớp, đặc biệt là ở TP.Biên Hòa - trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội lớn nhất tỉnh với hơn 1,2 triệu dân sinh sống. Quỹ đất eo hẹp trong khi dân số tăng cơ học liên tục hằng năm khiến cho cơ sở trường lớp không “chạy” theo nổi. Vì vậy mà suốt một thời gian dài, nhiều trường học trên địa bàn thành phố như: Trảng Dài, Long Bình liên tục phải tổ chức dạy và học ca ba. Và hiện nay, dù đã xóa được ca ba nhưng số trường học, phòng học xây mới ở những địa bàn này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến quá tải trường lớp.
Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, các địa phương trong tỉnh đều cố gắng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa… để đón học sinh tựu trường. Đây là năm học tiếp tục có nhiều thách thức, bởi những khó khăn trong dạy và học hậu Covid-19 vẫn còn khá nặng nề. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đòi hỏi toàn ngành Giáo dục phải tập trung cao độ, tập trung mọi nguồn lực để quá trình thực hiện suôn sẻ, đạt kết quả tốt nhất.
Tại buổi làm việc mới đây với Sở GD-ĐT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ với những khó khăn của ngành trong thời gian qua đồng thời đánh giá cao kết quả đáng khích lệ trong năm học 2021-2022. Đồng chí cũng mong muốn ngành phối hợp tốt với các địa phương để chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, từ đó triển khai có hiệu quả chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tất cả các em đều được đến trường bắt đầu cho năm học mới 2022-2023.
Minh Ngọc