Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng nội lực, đón sóng đầu tư giai đoạn mới

11:08, 03/08/2022

Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp thuộc tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đồng Nai có sự cạnh tranh gay gắt với các tỉnh, thành lân cận.

Đồng Nai là địa phương có nhiều khu công nghiệp thuộc tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Đồng Nai có sự cạnh tranh gay gắt với các tỉnh, thành lân cận. Để tiếp tục là một trong nhóm các địa phương dẫn đầu, đón được dòng vốn FDI chất lượng thì tỉnh phải tập trung tăng cường nội lực, cần nhiều cải cách hơn nữa, bao gồm cả nâng cao tay nghề của lực lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng...

Đồng Nai là trung tâm lớn về sản xuất công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Theo đó, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của Đồng Nai có nhiều thuận lợi, nhất là dễ dàng tìm được đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì việc tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước sẽ giúp doanh nghiệp (DN) yên tâm hơn trong sản xuất và khai thác những lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 kéo dài đã và đang thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn toàn cầu. Theo xu hướng hiện nay, các hoạt động đầu tư bao gồm chuỗi cung ứng và DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam. Do vậy, DN Việt cần có sự chuyển đổi linh hoạt hơn để chủ động nắm bắt cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với vị thế sân bay dân dụng lớn nhất cả nước trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ tạo ra sức hút đầu tư và động lực phát triển rất lớn, nhất là trong thu hút đầu tư cho Đồng Nai nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Ngoài ra, từ nay đến năm 2025, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn khác trên địa bàn tỉnh cũng sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, là điều kiện rất tốt để phát triển. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc cũng như các tuyến đường giao thông được đầu tư khi hoàn thành sẽ kết nối rất tốt cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh để phát triển công nghiệp.

Một trong những rào cản lớn trong thu hút dòng vốn chất lượng vào địa bàn tỉnh là thiếu đất công nghiệp diện tích lớn để các tập đoàn, DN FDI lớn vào đầu tư. Vì đa số các khu công nghiệp hiện đã lấp đầy diện tích cho thuê, diện tích còn lại chưa làm xong hạ tầng kỹ thuật vì vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ KH-ĐT cơ chế cho phép UBND tỉnh được quyền báo cáo với HĐND tỉnh lập quy hoạch sử dụng đất mà không bị phụ thuộc vào các chỉ tiêu của Trung ương giao, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương. Vì với những lợi thế trong phát triển công nghiệp mà chỉ tiêu đất phát triển khu công nghiệp không còn thì rất khó khăn.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, từ trước đến nay, nguồn vốn đầu tư FDI vào Đồng Nai chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp. Tới đây, tỉnh sẽ tăng xúc tiến đầu tư để mời gọi DN FDI đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác. Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch thu hút dòng vốn FDI cho 5-10 năm sau, trong đó, tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, mời gọi những dự án có công nghệ cao, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư để DN FDI quan tâm nhiều hơn đến các dự án về hạ tầng kỹ thuật, logistics, khu đô thị thông minh, thương mại dịch vụ, năng lượng.

Đồng thời, tỉnh hỗ trợ DN bằng cách đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Ngoài ra, Đồng Nai đang ưu tiên thúc đẩy nhanh đầu tư các dự án nhà ở công nhân để đảm bảo nơi sinh sống cho người lao động, khi xảy ra dịch bệnh, các DN FDI và DN có vốn đầu tư trong nước vẫn có thể đảm bảo số lao động để duy trì sản xuất.

Vi Lâm

Tin xem nhiều