Tính đến nay, Công an tỉnh đã thu nhận thông tin cấp căn cước công dân (CCCD) cho hơn 2,3 triệu công dân đủ điều kiện làm CCCD (đạt tỷ lệ 88%). Kết quả này là một sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng Công an tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn (do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; địa bàn rộng; dân số đông; di, biến động dân cư lớn…)
Tính đến nay, Công an tỉnh đã thu nhận thông tin cấp căn cước công dân (CCCD) cho hơn 2,3 triệu công dân đủ điều kiện làm CCCD (đạt tỷ lệ 88%). Kết quả này là một sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng Công an tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn (do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; địa bàn rộng; dân số đông; di, biến động dân cư lớn…) để có thể thu nhận được lượng lớn thông tin cấp thẻ CCCD cho người dân.
Hiện còn khoảng 400 ngàn người chưa làm CCCD. Con số này tuy không nhiều so với dân số trong độ tuổi làm CCCD của tỉnh nhưng đây là số lượng quyết định đến việc hoàn thành dự án Sản xuất, cấp, quản lý CCCD của Đồng Nai. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt kèm những giải pháp thiết thực thì rất khó đạt mục tiêu đến ngày 30-9-2022 hoàn thành thu nhận thông tin cấp CCCD gắn chip điện tử cho 100% nhân khẩu thường trú chưa có CCCD gắn chip điện tử trên địa bàn.
Có nhiều lý do khiến người dân còn chậm đi làm CCCD là: dữ liệu cá nhân chưa đầy đủ; đang đi làm, học tập ở xa; lo ngại ảnh hưởng đến tài sản; cho rằng việc làm CCCD là chưa cần thiết… Để khắc phục tình trạng này, Công an tỉnh đang thực hiện cao điểm cấp CCCD cho người dân. Hàng loạt giải pháp thiết thực được triển khai như: tổ chức thu nhận thông tin cấp CCCD 24/24 giờ trong ngày; mở các điểm di động cấp CCCD tại các phường, xã; tổ chức xe đưa đón người dân đến điểm làm CCCD. Thậm chí, đến tận nhà làm CCCD cho những người cao tuổi, đau bệnh, hạn chế đi lại; điều chỉnh các thông tin sai sót giúp người dân trước khi làm CCCD…
Có thể nói, đây là thời điểm thuận lợi nhất để người dân đi làm CCCD, đỡ phải đi lại xa xôi, tốn kém, không mất nhiều thời gian chờ đợi…
Bên cạnh đó, để người dân hiểu và có trách nhiệm hơn trong việc làm CCCD có gắn chip thì công tác truyền thông cũng cần thay đổi. Theo đó, nội dung tuyên truyền cần tập trung vào sự cần thiết phải đi làm CCCD. Trước tiên là thuận tiện cho người dân khi làm các thủ tục hành chính vì CCCD không đơn thuần chỉ là giấy tờ tùy thân mà còn là thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và “chìa khóa” truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau, nhất là từ ngày 1-1-2023 sổ tạm trú, sổ hộ khẩu giấy sẽ bị xóa bỏ.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động người dân đi làm CCCD phải thực hiện sâu rộng và không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, lực lượng công an mà còn cần sự góp sức của các đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các hội, đoàn thể.
Hơn hết, mỗi người dân cần ý thức việc đi làm thẻ CCCD có gắn chip là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân. Có như vậy, tiến độ thực hiện dự án Sản xuất, cấp, quản lý CCCD của Đồng Nai mới hoàn thành đúng tiến độ đề ra, góp phần quan trọng trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội và tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong làm các thủ tục hành chính.
Đặng Ngọc