Câu chuyện neo giá hàng hóa, dịch vụ theo giá xăng và không chịu giảm khi giá xăng xuống không hề mới mẻ. Tuy nhiên, để có giải pháp xử lý kịp thời vấn đề này thì sẽ là một bài toán không hề đơn giản, cần có sự đồng bộ, quyết liệt, minh bạch từ các cơ chế, chính sách của các cơ quan quản lý liên quan, vừa cần sự chủ động, minh bạch từ phía doanh nghiệp...
Câu chuyện neo giá hàng hóa, dịch vụ theo giá xăng và không chịu giảm khi giá xăng xuống không hề mới mẻ. Tuy nhiên, để có giải pháp xử lý kịp thời vấn đề này thì sẽ là một bài toán không hề đơn giản, cần có sự đồng bộ, quyết liệt, minh bạch từ các cơ chế, chính sách của các cơ quan quản lý liên quan, vừa cần sự chủ động, minh bạch từ phía doanh nghiệp... Theo nhiều chuyên gia phân tích, thời gian gần đây, có 3 nhóm mặt hàng tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đó là nhóm có liên quan đến giao thông - vận tải, nhóm về lương thực - thực phẩm và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng...
Thực tế thời gian qua, CPI ở nước ta vẫn tương đối thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này có thể được lý giải từ một trong những nguyên nhân là Việt Nam tự túc được nguồn cung ứng lương thực - thực phẩm (nhóm hàng quan trọng để xác định chỉ số giá tiêu dùng), qua đó tổ chức lưu thông khá tốt, giảm đứt gãy của chuỗi cung ứng đối với nhóm hàng hóa này.
Tuy nhiên, việc tăng, giảm giá trong cơ chế thị trường là điều khó tránh khỏi. Có lẽ sắp tới thị trường sẽ còn gặp nhiều vấn đề như thế này, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai vẫn có thể xuất hiện và xảy ra bất cứ lúc nào, gây khó khăn cho các chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa…
Để chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của thị trường, các cơ quan hữu quan, các địa phương cần tính một bài toán dài hơi để đảm bảo hoạt động thương mại, dịch vụ, đảm bảo kết nối cung - cầu một cách văn minh, hiện đại, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra…
Một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối, đó là chi phí qua các khâu trung gian, logistics... Về vấn đề này, tại tọa đàm trực tuyến Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm: Thực trạng và giải pháp được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 4-8, chuyên gia về thương mại Vũ Vinh Phú nêu dẫn chứng, kinh nghiệm từ các nước. Ví dụ như Hàn Quốc xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ. Thậm chí ở các nước, họ còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và như thế sẽ công khai, minh bạch, không thể ai hưởng hơn.
Rõ ràng, để cắt giảm các chi phí trung gian đòi hỏi sự công khai, minh bạch từ các khâu sản xuất đến tiêu dùng, cũng như sự quản lý đồng bộ, sát sườn từ phía các cơ quan hữu quan để kịp thời phát hiện, xử lý khi giá bị đội lên ở những khâu cụ thể, chứ không thể đánh đồng, dàn trải vì như thế sẽ không công bằng với những khâu trung gian khác.
Hiện nay, hệ thống pháp luật đã có Luật Giá và Luật Cạnh tranh cần phải được thực hiện nghiêm. Để đảm bảo ổn định thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cần có những biện pháp quản lý giá phù hợp, trong đó cần có chế tài mạnh hơn khi phát hiện các yếu tố thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền từ phía đơn vị kinh doanh…
Song song đó, bản thân các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng cần nâng cao tính minh bạch, chủ động, nêu cao văn hóa, trách nhiệm của người kinh doanh để đưa ra thị trường những mặt hàng, dịch vụ có giá phù hợp, cạnh tranh, hướng tới đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, giữ vững chữ tín trong kinh doanh…
Hải Quân