Là lực lượng lớn tạo ra của cải vật chất cho xã hội, thế nhưng đời sống vật chất - tinh thần của công nhân lao động vẫn còn nhiều bất cập. Đó là câu chuyện không phải mới nhưng luôn là nóng hổi, mang tính cấp thiết, nhất là ở Đồng Nai - một trong những địa phương có nền công nghiệp phát triển thuộc tốp đầu của cả nước.
Là lực lượng lớn tạo ra của cải vật chất cho xã hội, thế nhưng đời sống vật chất - tinh thần của công nhân lao động vẫn còn nhiều bất cập. Đó là câu chuyện không phải mới nhưng luôn là nóng hổi, mang tính cấp thiết, nhất là ở Đồng Nai - một trong những địa phương có nền công nghiệp phát triển thuộc tốp đầu của cả nước.
Với 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, hơn 1,2 triệu lao động và phần lớn là lao động nhập cư phải ở trọ, nhưng đến nay, Đồng Nai vẫn chưa có một thiết chế văn hóa quy mô dành riêng cho công nhân lao động. Toàn tỉnh hiện chỉ có vài trăm khu nhà trọ được ngành chức năng công nhận khu nhà trọ văn hóa, rất ít so với nhu cầu bức thiết của công nhân. Những hệ lụy từ việc sống trong những khu nhà trọ chưa đảm bảo đã bộc lộ rõ nét và đầy đủ trong giai đoạn Đồng Nai cùng với nhiều tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Đáng bàn hơn, trong một xã hội chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, khi mà người người, nhà nhà đều chịu những ảnh hưởng nhất định bởi internet thì việc quan tâm đến những tác động của công nghệ đối với công nhân lao động - với phần đông là lực lượng trẻ, là điều cấp thiết. Đó có thể là những tác động vô hình đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng đến đời sống tư tưởng, tình cảm, tinh thần của một bộ phận người tiếp cận như: cuộc sống tinh thần đơn điệu khi chỉ có phương tiện giải trí duy nhất là chiếc điện thoại, ảnh hưởng bởi “đời sống ảo” với những chiêu trò giật gân “câu view”, “câu like” của mạng xã hội… Đó cũng có thể là những tác động hữu hình, nguy hại mà ngành chức năng đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo như: “tín dụng đen”, buôn bán người khi muốn tìm việc nhẹ - lương cao…
Thực tế thì, ẩn đằng sau sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu cảnh giác đối với các đối tượng lừa đảo, đó là những cảnh đời còn bộn bề khó khăn. Khi đối diện với chi phí đắt đỏ nơi phố thị, công nhân hạn hẹp hơn trong việc chọn lựa nơi ở đáp ứng nhu cầu, chứ chưa bàn đến việc hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần như: đi du lịch, đến rạp xem phim, xem ca nhạc, chơi môn thể thao yêu thích…
Xem việc giải quyết nhu cầu an cư cho công nhân lao động là “món nợ lớn”, lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng đang rốt ráo đẩy mạnh các giải pháp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động, song song với việc cùng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân tại H.Trảng Bom.
Thực tế, thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, thời gian qua, các ngành chức năng của Đồng Nai đã dành nguồn lực thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thiết thực chăm lo đời sống cho công nhân. Dù vậy, việc chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần cho công nhân thiết nghĩ không chỉ nên đến từ một vài phong trào, chương trình của địa phương, các ngành trong năm, mà từ trong mỗi doanh nghiệp cần lan tỏa các hoạt động phong trào, hoạt động văn hóa đến từng phân xưởng, từng chuyền sản xuất.
Một khi công nhân có thêm môi trường sinh hoạt văn hóa đa dạng, bổ ích, vui tươi, tái tạo sức lao động sau những giờ lao động miệt mài trong nhà máy, sẽ dần dần hình thành nên những lớp công nhân giỏi về chuyên môn, khỏe về thể chất, vững về chính trị, đảm đương tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Lâm Viên