Từ bao đời nay, nông dân sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đúc rút qua nhiều mùa vụ, tháng, năm, chục năm, trăm năm hay thậm chí hàng ngàn năm. Những câu tục ngữ như "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" là ví dụ điển hình đúc kết cả một quá trình sản xuất.
Từ bao đời nay, nông dân sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đúc rút qua nhiều mùa vụ, tháng, năm, chục năm, trăm năm hay thậm chí hàng ngàn năm. Những câu tục ngữ như “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là ví dụ điển hình đúc kết cả một quá trình sản xuất.
Thực ra, việc sản xuất nông nghiệp dựa vào kinh nghiệm cũng là cách làm tích cực, bởi khi có nhiều kinh nghiệm, làm nông sẽ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, kinh nghiệm chỉ phát huy được trong một không gian hẹp với sự thay đổi chậm, khi ứng dụng kinh nghiệm đó qua một không gian khác, thổ nhưỡng khác với sự thay đổi nhanh hơn thì nó không còn tác dụng nhiều.
Mặt khác, quá trình chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tức sản xuất ít nhưng mang lại giá trị cao hơn không phải là quá trình mà kinh nghiệm có thể giải quyết được. Thế giới hiện đã tiến đến mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa ngày càng cao, trong khi Việt Nam chưa bắt kịp xu thế đó trong quy trình sản xuất thì rất khó để cạnh tranh.
Chính vì vậy, một trong các giải pháp lớn của ngành Nông nghiệp là nâng cao năng lực của nông dân, bao gồm: kiến thức, kỹ năng, thái độ với nghề nông nghiêm túc và giàu tri thức hơn. Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi, cần kiên trì giúp nông dân “hấp thu” những cái mới bằng việc lồng ghép vào những chương trình có sẵn, chứ không phải yêu cầu 10 triệu hộ nông dân phải đến trường để học để được… cấp bằng. Chuyên nghiệp hóa nông dân là cần thiết, nhưng không thể kỳ vọng cùng một lúc hơn 10 triệu nông dân Việt Nam trở thành “chuyên nghiệp” theo những tiêu chí khô cứng nào đó, bởi tri thức là không có điểm dừng. Theo đó, mỗi ngày, từng chút một, có thể nâng tính chuyên nghiệp cho nông dân bằng cách chia sẻ tri thức, có thể bắt đầu từ bán hàng, cách làm giống, thu hoạch, rồi đến đưa công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức vào cho nông dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng NN-PTNT cũng cho rằng, chuyên nghiệp hóa nông dân là vấn đề không quá khó, bởi có một bộ phận nông dân đã chuyên nghiệp. “Tôi quan sát thấy rằng, trong lúc rủi ro thị trường nhất thì những sản phẩm từ người nông dân chuyên nghiệp ít rủi ro thị trường hơn, vì họ biết cách thích ứng với sự thay đổi. Dẫn chứng là nông dân đã biết lên mạng xã hội tự giới thiệu và bán nông sản, một trong những tính chuyên nghiệp ban đầu của người nông dân” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói tại hội thảo Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp? vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP.Cần Thơ.
Thực tế, câu chuyện nông dân chuyên nghiệp không phải là câu chuyện của riêng Nhà nước, mà đó là câu chuyện của mọi người, của những ai “khắc khoải” vì mục tiêu cùng hành động nhằm giúp người nông dân khá hơn, thu nhập cao hơn trên cùng đơn vị diện tích thông qua làm nông chuyên nghiệp - khởi đầu bằng những thay đổi từng chút, từng chút một trong tư duy mỗi nông dân.
Vi Lâm