Một trong những băn khoăn đặt ra sau khi quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2020-2030 được công bố là nhiều địa phương tăng khá nhiều diện tích quy hoạch đất ở so với giai đoạn trước.
Một trong những băn khoăn đặt ra sau khi quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2020-2030 được công bố là nhiều địa phương tăng khá nhiều diện tích quy hoạch đất ở so với giai đoạn trước. Trong đó có 5 địa phương tăng nhiều đất ở là: Long Thành, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Thống Nhất và Long Khánh, với số tăng thêm từ 700ha đến gần 2,4 ngàn ha/địa phương.
Theo thống kê, tính đến năm 2020, Đồng Nai đã có hơn 19,2 ngàn ha đất ở, tập trung chủ yếu ở TP.Biên Hòa và các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Long Thành. Ở giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai đã quy hoạch tăng thêm hơn 10,9 ngàn ha đất ở và chủ yếu là để triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị.
Thực tế, việc quy hoạch tăng thêm này được cho là để đón đầu nhiều dự án hạ tầng lớn trong tương lai như: các đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương; Đường vành đai 3, 4; Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thêm vào đó là những tính toán, chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp mới, khu dịch vụ hậu cần cho sân bay và cảng biển, các vùng sản xuất và chế biến nông nghiệp công nghệ cao…
Theo lý giải của các địa phương, các phương án về tăng, giảm diện tích từng loại đất trong quy hoạch sử dụng đất đã được tính toán đầy đủ dựa trên những khảo sát, cân nhắc về quỹ đất. Bên cạnh đó là sự cân đối điều hòa mục đích sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực. Đất ở đô thị và đất ở nông thôn cũng được cân nhắc cho từng vùng, từng điểm, phù hợp với điều kiện đặc thù từng khu vực và mục tiêu đô thị hóa của địa phương.
Tuy vậy, việc tăng nhanh diện tích quy hoạch đất ở (ước tính có thể “chứa” đến 10 triệu người vào năm 2030, trong khi dân số Đồng Nai hiện nay mới hơn 3,2 triệu) cũng đặt ra nhiều băn khoăn, rằng liệu việc tính toán này có sát với thực tế triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh hay chưa.
Hiện tại, chưa có cơ sở để xác định việc quy hoạch tăng thêm đất ở khá nhiều như các địa phương đã làm là hợp lý hay không. Tuy nhiên, thực tế ở một số kỳ quy hoạch vừa qua cho thấy, quy hoạch quá nhiều đất ở dẫn đến hệ quả là nếu trong kỳ quy hoạch mà các dự án không thể triển khai thực hiện được sẽ dẫn đến quy hoạch “treo”.
Hơn 10 năm qua, Đồng Nai quy hoạch gần 300 dự án khu dân cư, khu đô thị song đến nay số dự án hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và thu hút được người dân đến sinh sống rất ít. Có những khu dân cư tại H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom… hoàn chỉnh hạ tầng nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thu hút được người dân đến sinh sống, thậm chí hình thành nên các khu dân cư bỏ hoang được giới đầu cơ mua đi, bán lại để kiếm lời.
Rõ ràng, ở giai đoạn này, để trả lời chính xác câu hỏi quy hoạch bao nhiều đất ở là phù hợp thì rất khó. Điều cốt lõi ở đây là sau quy hoạch là gì? Nếu các địa phương, các ngành liên quan tính toán được các lợi thế phát triển một cách đúng đắn, kêu gọi được những nhà đầu tư đủ tiềm lực triển khai dự án, kiểm soát được việc thực hiện quy hoạch, “kéo” được người dân về sống… thì tăng thêm bao nhiêu diện tích đất ở cũng đều hợp lý; còn ngược lại, để hình thành quá nhiều khu dân cư bỏ hoang, hoặc đất ở quy hoạch xong nằm đó mãi không có dự án, không có hạ tầng, không có người dân thì lại “hóa” thành sự lãng phí trong khai thác tiềm lực đất đai.
Vi Lâm