Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40 ngàn tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023) là chương trình hỗ trợ tín dụng giá rẻ lớn nhất trong giai đoạn hậu Covid-19 từ Chính phủ, với mục đích trợ lực cho doanh nghiệp (DN) phục hồi sau những khó khăn do đại dịch gây ra và phát triển sản xuất kinh doanh.
Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40 ngàn tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023) là chương trình hỗ trợ tín dụng giá rẻ lớn nhất trong giai đoạn hậu Covid-19 từ Chính phủ, với mục đích trợ lực cho doanh nghiệp (DN) phục hồi sau những khó khăn do đại dịch gây ra và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo kế hoạch, số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% cho DN, hộ kinh doanh và HTX trong năm 2022 là 16.035 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng triển khai, kết quả lại không như mong đợi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có đánh giá bước đầu về kết quả triển khai gói hỗ trợ này. Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4,4 ngàn tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4,3 ngàn tỷ đồng. Ước tính số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng tính đến cuối tháng 8 vừa qua chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng.
Tại Đồng Nai, tính đến đầu tháng 8-2022, các ngân hàng thương mại trong tỉnh chỉ mới giải ngân cho 9 khách hàng với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất vỏn vẹn… 25,2 tỷ đồng. So với nhu cầu tín dụng lãi suất thấp của DN nói chung trong giai đoạn này thì các con số nói trên là vô cùng khiêm tốn. Năm 2022 chỉ còn hơn 3 tháng là kết thúc, do đó, một thực tế là cả giới ngân hàng lẫn nhiều DN hiện không mặn mà với gói hỗ trợ này.
Có nhiều lý do không mới khiến một chương trình lớn do Chính phủ đề ra (đi kèm với sự cam kết đồng thuận thực hiện của 16 ngân hàng lớn) lại thực hiện quá chậm khi đi vào thực tế. Đó là chứng minh hồ sơ để được hưởng các khoản vay ưu đãi khá phức tạp, trong đó có phần chứng minh ngành nghề, tài sản đảm bảo cùng nhiều hạng mục hồ sơ khác thực tế là không mấy dễ dàng với nhiều DN - dù khó khăn thì dễ chứng minh. Nhưng nguyên nhân lớn nhất khiến gói hỗ trợ lãi suất này thực hiện quá chậm lại nằm ở chỗ đa số các ngân hàng thương mại trong thời gian qua đều hết “room” tín dụng. Nói nôm na là số vốn được phép cho vay của nhiều ngân hàng đã chạm trần từ 2-3 tháng trước, do đó khi Nghị định 31 bắt đầu triển khai, hầu như chẳng có mấy ngân hàng còn room để giải quyết hồ sơ cho khách. Nhiều DN nói vui khi được hỏi về gói hỗ trợ này, rằng “vay bình thường còn khó như lên trời, hồ sơ chầu chực mấy tháng chưa giải quyết nổi thì mong gì hỗ trợ 2% lãi suất”.
Nói vậy để thấy rằng, dù cho Chính phủ có ráo riết thúc đẩy các gói tín dụng hỗ trợ cho DN đến mấy, dù bản thân DN có mong mỏi chạm được các khoản vay này đến mấy thì thực tế còn quá nhiều lực cản. Muốn thực hiện suôn sẻ, hiệu quả các gói tín dụng hỗ trợ này, cần đến sự đồng bộ ở nhiều khía cạnh khác nhau: chỉ tiêu tín dụng, các chính sách gỡ khó kịp thời về hồ sơ thủ tục, thông tin và độ hiểu biết của DN… Room tín dụng hiện đã được mở ra với một số ngân hàng, nhưng không nhiều, và do đó có thể nói, nếu không có những giải pháp thực sự nhanh và hiệu quả thì trong chưa đầy 3,5 tháng còn lại của năm 2022, gói tín dụng ưu đãi này khó mà đến tay cộng đồng DN.
V.L