Với số dân đã vượt mức 1,1 triệu người (số liệu tháng 4-2019) và là thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất cả nước, Biên Hòa đang đứng trước nhiều áp lực và thách thức trong quá trình phát triển.
Với số dân đã vượt mức 1,1 triệu người (số liệu tháng 4-2019) và là thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất cả nước, Biên Hòa đang đứng trước nhiều áp lực và thách thức trong quá trình phát triển.
TP.Biên Hòa cũng là địa phương có tốc độ gia tăng dân số hằng năm thuộc loại cao, ước tính trong khoảng gần 10 năm qua, dân số của TP.Biên Hòa tăng bình quân hơn 30 ngàn người/năm. Điều này khiến mật độ dân số trên địa bàn TP.Biên Hòa thuộc nhóm cao trong số các đô thị lớn trên cả nước. Hiện nay, mật độ dân số bình quân của TP.Biên Hòa đạt hơn 4 ngàn người/km2, cao nhất trong tỉnh.
Nếu xác định phát triển đô thị Biên Hòa thành một đô thị hiện đại, bền vững thì rõ ràng với những gì đang có, một trong những thách thức lớn nhất vẫn là quy hoạch và phát triển hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng dân số. Lời giải trước mắt mà giới chuyên môn lẫn các cơ quan chức năng đưa ra cho bài toán này chính là “xoay trục - giãn dân” - hiểu nôm na là thay vì chỉ tập trung phát triển vùng “lõi” trung tâm đô thị vốn đã rất quá tải, thành phố cần thêm các trục phát triển mới để nới lỏng bớt áp lực dân số lên vùng trong tâm.
Đây không phải là câu chuyện của riêng đô thị Biên Hòa mà là thách thức chung của nhiều đô thị trên cả nước. Để giải quyết áp lực này, hầu hết các đô thị lớn đều có chiến lược phát triển vùng ngoại vi, các “đô thị vệ tinh” với mục đích “giãn dân”, giảm áp lực cho đô thị trung tâm.
Thực tế thì TP.Biên Hòa đã xây dựng chiến lược phát triển đô thị, định hình các khu vực ngoại vi để “giãn dân” như: khu vực các phường Phước Tân, Tam Phước, Bửu Long và xã Long Hưng. Tuy nhiên, đến nay, việc “kéo” người dân ra các khu vực này vẫn chưa thực sự hiệu quả và dân cư vẫn tiếp tục dồn về các phường trung tâm, các phường nội ô thành phố. Nguyên nhân vẫn là nguyên nhân cũ: khu vực trung tâm có đầy đủ các thiết chế đời sống, từ bệnh viện, trường học, công sở đến các dịch vụ vui chơi, giải trí. Do đó, người dân vẫn tiếp tục dồn về khu nội ô thành phố.
Muốn biến các khu vực ngoại vi thành những “nơi đáng sống” cho người dân đô thị thực ra lại là một bài toán khó khác. Vì để “hút” người dân đến sinh sống không chỉ cần cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội mà còn phải tạo ra được không gian sống đủ tốt. Nói một cách dễ hiểu là các khu vực ngoại vi phải có các khu dân cư đủ lớn, nhiều phân khúc, có các thiết chế phục vụ đời sống đủ tốt để người dân không cảm thấy lạc lõng so với khu vực trung tâm đô thị. Điều này đòi hỏi tầm nhìn xa, quy hoạch hợp lý, có chiến lược phát triển bài bản, có nguồn lực thực hiện… Vậy nên việc “xoay trục” phát triển cho đô thị để “giãn dân” ra các vùng mới không hề đơn giản, nó không thể được thực hiện chỉ bằng một “mệnh lệnh hành chính” hay ý chí chủ quan, mà đòi hỏi những bước đi bài bản, thận trọng cùng những chính sách phù hợp với từng giai đoạn, có như vậy, việc giảm áp lực và cho đô thị một không gian đủ lớn để tính toán đến chuyện phát triển bền vững (chứ không phải phát triển kiểu “đối phó”) mới có tính khả thi.
V.L