Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo đúng tiêu chí bảo vệ môi trường, phân loại, vận chuyển, tái chế rác... đúng chuẩn là một trong những đề án "dài hơi" nhất, được thực hiện qua nhiều năm nay, song đến nay kết quả vẫn chưa được như mong đợi.
Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo đúng tiêu chí bảo vệ môi trường, phân loại, vận chuyển, tái chế rác... đúng chuẩn là một trong những đề án “dài hơi” nhất, được thực hiện qua nhiều năm nay, song đến nay kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng thực sự với một đô thị có hàng triệu dân, việc thay đổi thói quen vứt rác của người dân là không dễ. Nó đòi hỏi mỗi người dân phải tự phân loại rác tại nhà, rồi đòi hỏi lực lượng thu gom rác phải có xe gom rác đúng chuẩn (màu sơn, dán nhãn) để phân biệt từng loại rác, đòi hỏi các khâu tiếp theo (vận chuyển, tập kết, xử lý…) cũng phải nhịp nhàng và đúng quy trình thì mới có hiệu quả lâu dài.
Tuy nhiên, sự thiếu đồng bộ đang diễn ra ở nhiều khâu của toàn bộ quá trình này. Từ đầu năm 2022, Sở TN-MT đã tiến hành làm dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó yêu cầu các cá nhân, tổ chức thu gom rác phải chuẩn hóa phương tiện đáp ứng các yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; phải dán nhãn, thay đổi màu sơn. Thời gian hoàn thành trước ngày 1-6-2022.
Song, do đề án cần điều chỉnh một số nội dung nên Sở TN-MT đã điều chỉnh thời hạn hoàn thành việc chuẩn hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển, dán nhãn và chuyển đổi màu sơn hoàn thành trước ngày 31-12.
Trên thực tế, hiện nhiều đơn vị đã thực hiện dán nhãn, sơn màu phương tiện nhưng không làm theo được vì người dân không phân loại rác hoặc có nhưng rất ít. Chưa kể, giá dịch vụ thu gom rác 5 năm nay không thay đổi, dẫn đến khó chuẩn hóa phương tiện, khó tăng số lượng nhân công và khó cả trong việc tăng tần suất thu gom.
Nhìn một cách toàn diện, việc thay đổi màu sơn, dán nhãn phương tiện chỉ là yêu cầu mang tính hình thức áp dụng cho các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải. Vấn đề quan trọng hơn là phương tiện đó có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường hay không. Quan trọng hơn nữa là tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác tại nguồn thường xuyên đạt bao nhiêu %, bởi nếu các hộ gia đình không phân loại rác thì việc thùng xe chở rác dán nhãn gì, sơn màu gì… cũng trở nên vô nghĩa. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người dân nêu ý kiến phản ảnh là nhiều xe chở rác dán nhãn “Chất thải thực phẩm” nhưng lại chứa các loại rác khác.
Ngoài ra, muốn đề án hiệu quả thực sự còn phải quan tâm đến việc đồng bộ các loại hạ tầng khác như: thùng chứa, điểm tập kết, trạm trung chuyển đạt chuẩn…
Doanh nghiệp trong ngành xử lý rác thải đang kiến nghị địa phương đầu tư hạ tầng (thùng/bể chứa chất thải, điểm tập kết, điểm trung chuyển chất thải), tuyên truyền người dân phân loại rác, sớm điều chỉnh giá dịch vụ và tạo điều kiện vay vốn mua xe. Khi đã đồng bộ cả trách nhiệm lẫn lợi ích các bên (người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý), hay trước mắt, cần đồng bộ từ hạ tầng xử lý rác đến ý thức người dân thì đề án này mới có ý nghĩa thực tế.
Vi Lâm