Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: "Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại hóa (CNH-HĐH), theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại hóa (CNH-HĐH), theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tiếp đến, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ: khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, CNH-HĐH… phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Mục tiêu thực hiện CNH-HĐH là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng - an ninh vững chắc, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, phát triển công nghiệp phải theo hướng hiện đại, áp dụng mạnh mẽ thành quả của khoa học công nghệ, chọn lựa những dự án đầu tư có hàm lượng chất xám cao, thân thiện với môi trường. Đích đến của CNH-HĐH chính là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII ngày 3-10 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những hạn chế khiến nước ta chưa thể trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 như mục tiêu đề ra. Đó là, nội lực của nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện; khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy CNH-HĐH; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế; quá trình đô thị hóa cũng chưa đồng bộ, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với CNH-HĐH và xây dựng nông thôn mới; các vấn đề về phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ với phát triển kinh tế…
Chính vì vậy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong một thế giới còn những bất định như hiện nay, CNH-HĐH phải được thực hiện một cách vững chắc nhằm vừa phát huy được tiềm lực của đất nước, vừa kế thừa hiệu quả những thành tựu mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Trong đó, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế của quá trình CNH-HĐH một cách nghiêm túc, quyết liệt có ý nghĩa quyết định. Nhất là sự chủ động, tích cực từ phía các địa phương có thế mạnh, phải thực sự là đầu tàu để kéo “con tàu” CNH-HĐH về đích thành công.
Nguyễn Phượng