Ngày 19-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế (gồm: Bạch Mai, K, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy). Tuy nhiên, lấy lý do "vì không đủ điều kiện", 2 bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Chợ Rẫy không thực hiện Nghị quyết 33.
Ngày 19-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế (gồm: Bạch Mai, K, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy). Tuy nhiên, lấy lý do “vì không đủ điều kiện”, 2 bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Chợ Rẫy không thực hiện Nghị quyết 33. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, 2 bệnh viện Bạch Mai và K cũng xin dừng thí điểm tự chủ do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như mô hình quản lý chồng chéo, thu không đủ chi, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ...
Khi quyết định giao 4 bệnh viện lớn thực hiện Nghị quyết 33, Chính phủ đặt ra mục tiêu các bệnh viện này sẽ phát huy được tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài. Bên cạnh đó, không quên bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý. Đặc biệt là không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.
Khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. Trong khi khối lượng công việc mà các bệnh viện này đảm trách rất nhiều, cả chuyên môn lẫn đào tạo song nguồn thu để trả lương cho nhân viên, mua sắm trang thiết bị y tế… chưa đảm bảo do giá các dịch vụ y tế vẫn phải tính theo khung giá của Bộ Y tế và hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ. Do đó, dù mang tiếng là tự chủ song hầu như các bệnh viện không được làm gì vì nhìn đâu cũng vướng, rất khó thực hiện cho hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến các bác sĩ và nhân viên y tế bệnh viện công lập “nhảy” qua cơ sở y tế dân lập do chế độ lương bổng thiếu hấp dẫn, trong khi áp lực công việc quá lớn.
Tại Đồng Nai, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2018, ngành Y tế có 5 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính gồm: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Nhi đồng Đồng Nai, Đa khoa khu vực Long Thành và Đa khoa khu vực Long Khánh. Đến năm 2021, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành đã xin không tiếp tục thực hiện vì không gắng gượng nổi, nhất là sau đại dịch Covid-19. Các bệnh viện còn lại dù vẫn triển khai và đã có nhiều giải pháp để tăng nguồn thu như mở các phòng khám dịch vụ, tăng cường liên kết với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao đến từ TP.HCM… song luôn trong tình trạng phập phồng, mong sớm được “cởi trói” để hoạt động đúng nghĩa tự chủ thực sự.
Bởi với kiểu tự chủ nửa vời hiện nay, vô hình trung đã đẩy các bệnh viện từ thế chủ động sang bị động và thiếu sự đột phá, sáng tạo vì sợ vướng… cơ chế, chính sách.
Minh Ngọc