Được triển khai từ năm 2013, nhưng đến nay toàn tỉnh mới có 151 khu nhà trọ (KNT) văn hóa. Đây là con số khiêm tốn so với hàng ngàn KNT đang tồn tại trên địa bàn tỉnh với khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng trăm ngàn người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh đến Đồng Nai sinh sống và làm việc.
Được triển khai từ năm 2013, nhưng đến nay toàn tỉnh mới có 151 khu nhà trọ (KNT) văn hóa. Đây là con số khiêm tốn so với hàng ngàn KNT đang tồn tại trên địa bàn tỉnh với khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng trăm ngàn người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh đến Đồng Nai sinh sống và làm việc. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 địa phương đã triển khai được mô hình KNT văn hóa gồm: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Xuân Lộc.
Trong đó, H.Nhơn Trạch và H.Long Thành có số KNT văn hóa nhiều nhất tỉnh. Theo đánh giá của các địa phương, việc thực hiện mô hình này đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt là đối với người lao động. Bởi sống trong những KNT văn hóa, người lao động tương đối an tâm về tình hình an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Hơn nữa, chủ nhà trọ tạo điều kiện để người ở trọ được sử dụng điện, nước đúng giá quy định đồng thời luôn có sự quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động. Điều này có thể thấy rõ qua 2 năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, các chủ nhà trọ không chỉ miễn, giảm tiền thuê nhà cho người thuê trọ mà còn ủng hộ nhiều phần quà là nhu yếu phẩm nhằm giúp họ vượt qua khó khăn. Ngay tại thời điểm này, khi người lao động trở lại làm việc bình thường nhưng bị giảm giờ làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chủ nhà trọ thường lui tới động viên và sẵn sàng giảm tiền trọ để người lao động bớt đi một phần khó khăn, yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống.
Hiệu quả mà các KNT văn hóa đem lại là khá rõ nhưng vì sao việc thực hiện mô hình này ở các địa phương vẫn khá chậm? Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do các KNT trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được các tiêu chí để triển khai KNT văn hóa. Để đạt được tiêu chí KNT văn hóa, các KNT phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, diện tích, các thiết bị chiếu sáng theo quy định… Đối với những KNT xây dựng nhiều phòng, trên diện tích đất lớn thì việc đáp ứng khả năng này khá dễ dàng, nhưng đa số các KNT trên địa bàn tỉnh thường được chủ nhà tận dụng sửa sang lại nên khá manh mún, thiếu đồng bộ. Nhiều KNT diện tích phòng nhỏ, xuống cấp, chưa đảm bảo không gian thoáng mát, không có lối thoát hiểm, chưa trang bị đầy đủ bảng tiêu lệnh phòng cháy, chữa cháy, bình chữa cháy… Bên cạnh đó, do đặc điểm chủ nhà trọ tận dụng hết diện tích để xây phòng trọ nên một số KNT không có không gian sinh hoạt chung cho người ở trọ. Vì vậy, phần lớn sinh hoạt của người thuê trọ chỉ diễn ra quanh quẩn trong căn phòng trọ chật chội, nóng bức. Việc triển khai các phong trào, hoạt động văn hóa dành cho công nhân lao động khó triển khai còn thiếu sự hợp tác từ chủ nhà trọ và người thuê trọ…
Xây dựng các KNT văn hóa là cần thiết và rất có ý nghĩa với một tỉnh tập trung nhiều công nhân lao động như Đồng Nai. Do đó, mô hình này cần tiếp tục được nhân rộng và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để các địa phương, chủ nhà trọ, người thuê trọ thấy được lợi ích của việc thực hiện mô hình này, từ đó tích cực hưởng ứng, tham gia để ngày càng có nhiều hơn những KNT văn hóa.
Minh Ngọc