Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp quyết liệt để chặn đà suy giảm kinh tế

06:11, 15/11/2022

"Khó khăn chưa từng có", là đánh giá của một số doanh nghiệp (DN) ở thời điểm hiện nay, khi nhiều yếu tố bất lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh gần như đang cùng hiện diện.

“Khó khăn chưa từng có”, là đánh giá của một số doanh nghiệp (DN) ở thời điểm hiện nay, khi nhiều yếu tố bất lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh gần như đang cùng hiện diện.

Với DN xuất khẩu, đơn hàng sụt giảm mạnh chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, khiến nhiều DN Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường, nhiều chuỗi cung ứng đứt gãy, giá nguyên vật liệu tăng nhanh...

DN xuất - nhập khẩu còn gặp lao đao do chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của DN; tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa được tháo gỡ, khiến chi phí vận chuyển tăng, tỷ giá USD/VND tăng mạnh.

Đặc biệt nhất, nguồn vốn của DN đang dần “cạn” do các vấn đề về thanh khoản trái phiếu, bất động sản, room tín dụng hạn chế. Sau 2 năm “gồng mình” chống dịch, nguồn tiền của nhiều DN không còn nhiều, trong khi các kênh cấp vốn thu hẹp và lãi suất đang tăng từng tuần. Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên đến 10%/năm, trong khi các gói hỗ trợ lãi suất gần như không phát huy tác dụng. Lãi suất vay sẽ tăng bao nhiêu và liệu có “dễ” vay tiền cho sản xuất, kinh doanh hay không đang là nỗi lo của nhiều DN thuộc mọi ngành nghề.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ)  và các hiệp hội DN đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất loạt giải pháp khẩn cấp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN tiếp tục phục hồi… Theo kết quả tổng hợp của Ban IV, DN ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý IV-2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn so với quý III-2022. Các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng... Do đó, nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022 (nguồn: VnEconomy).

Tất cả những “chỉ dấu” nói trên, cộng với những khó khăn rất lớn của thị trường bất động sản, chứng khoán và trái phiếu DN… gây ảnh hưởng dây chuyền lên hầu hết các ngành nghề cho thấy cần phải có những giải pháp nhanh, quyết liệt, sát thực tế và hiệu quả. Những khó khăn nói trên không chỉ riêng địa phương nào, ngành nào có thể giải quyết được mà buộc phải có những chính sách, giải pháp vĩ mô đủ lớn để điều tiết thị trường, hỗ trợ DN. Nguy cơ suy giảm kinh tế đang ngày một rõ rệt hơn trên diện rộng và DN, người dân thực sự cần những giải pháp đủ mạnh để chặn đà suy giảm và giúp DN phục hồi.          

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều