Báo Đồng Nai điện tử
En

Để học thêm, dạy thêm đạt hiệu quả tích cực

11:11, 11/11/2022

Dạy thêm, học thêm ngoài giờ học chính khóa ở trường tuy không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn là vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm của xã hội.

Dạy thêm, học thêm ngoài giờ học chính khóa ở trường tuy không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của xã hội. Thực tế, việc dạy thêm, học thêm đã xuất hiện hàng chục năm qua theo nhu cầu ngày càng đa dạng của phụ huynh học sinh. Ở cấp THCS trở lên thì phụ huynh học sinh trong điều kiện và khả năng của mình mong muốn cho con đi học thêm đáp ứng nhu cầu riêng như: để củng cố kiến thức cho học sinh, bồi dưỡng cho học sinh thi vào trường chuyên - lớp chọn, luyện thi đầu vào cho học sinh cuối cấp...

Riêng ở cấp tiểu học, trẻ đến các lớp học thêm ngoài củng cố kiến thức chương trình học chính khóa còn được rèn chữ, trông giữ trẻ và được phục vụ bữa ăn trưa do gia đình không có điều kiện đưa đón, chăm sóc.

Có cầu ắt có cung. Giáo viên ngoài công việc chính ở trường còn có thể dạy thêm và từ đó có thêm một nguồn thu nhập chính đáng từ lao động chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo bài bản của mình, góp phần cải thiện đời sống vốn còn nhiều khó khăn của nghề giáo.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, bản thân việc dạy thêm, học thêm xuất phát điểm là nhu cầu thiết thân của xã hội. Vấn đề là trong quá trình vận hành, ở đâu đó việc dạy thêm, học thêm xảy ra một số thực trạng như: một số học sinh phải “chạy sô” đi học thêm quá mức, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ; hoặc tình trạng một bộ phận giáo viên không công bằng trong ứng xử với học sinh có đi học thêm và không đi học thêm, gây nên tâm lý lo lắng cho những học sinh không có điều kiện đi học thêm; hay việc đưa đón bằng xe hợp đồng, tổ chức ăn uống bữa trưa, ngủ nghỉ… cho trẻ chưa đảm bảo…

Dù rằng, những sự việc dạy thêm, học thêm thiếu tích cực nêu trên chỉ là thiểu số tồn tại trong đời sống xã hội, nhưng cũng phần nào ảnh hưởng đến uy tín, phẩm chất cơ bản của nghề giáo - một nghề cao quý, được cả xã hội đề cao, kính trọng.

Để quản lý việc dạy thêm và học thêm bên ngoài nhà trường, thời gian qua, Nhà nước đã có những quy định cụ thể. Tại Đồng Nai, ngay đầu năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo việc tạm dừng dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học. Một số giải pháp được một số trường đưa ra như: lấy ý kiến của phụ huynh về việc tổ chức dạy tăng cường vào một buổi còn lại sau buổi học chính khóa; tăng cường nắm bắt dư luận xã hội xung quanh việc dạy thêm, học thêm, nếu có thông tin tiêu cực thì chấn chỉnh, xử lý ngay…

Xét trong bối cảnh hệ thống trường lớp còn nhiều khó khăn, nhất là ở các đô thị lớn, đồng thời nhu cầu xã hội ngày càng đa dạng, thiết nghĩ vấn đề chính vẫn là việc tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát đến từng địa phương, từng trường học đối với giáo viên trong việc thực hiện quy định dạy thêm, nhất là tránh những vi phạm về đạo đức nhà giáo. Có như vậy, học thêm, dạy thêm mới xuất phát từ nhu cầu chính đáng và đạt được những hiệu quả tích cực từ người học lẫn người dạy.         

Lâm Viên

Tin xem nhiều