Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để các doanh nghiệp nợ bảo hiểm "lờn thuốc"

03:12, 14/12/2022

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tham gia lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN). Kể cả khi thất nghiệp hay nghỉ hưu, những chính sách bảo hiểm này giúp người lao động có chỗ dựa, nhất là lúc bệnh tật không còn đủ sức lao động.

Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là các chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tham gia lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN). Kể cả khi thất nghiệp hay nghỉ hưu, những chính sách bảo hiểm này giúp người lao động có chỗ dựa, nhất là lúc bệnh tật không còn đủ sức lao động.

Thế nhưng, hiện có không ít DN để kéo dài tình trạng nợ bảo hiểm đối với người lao động. Dù bị cơ quan BHXH cùng các đơn vị chức năng tiến hành nhắc nhở, đòi nợ nhiều lần nhưng DN vẫn khất lần, không chịu đóng làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Chính vì vậy, tăng cường các biện pháp mạnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nợ bảo hiểm đã và đang được các đơn vị có liên quan thực hiện.

Theo thông tin từ BHXH tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh có 307 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm của người lao động từ 3 tháng trở lên với số tiền trên 229 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này có những DN để nợ kéo dài lên đến hơn 100 tháng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân được đơn vị, DN đưa ra để lý giải cho tình trạng nợ bảo hiểm kéo dài nhưng chủ yếu vẫn là do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nguồn thu giảm. Tuy nhiên, có một lý do rất đáng quan ngại đó là ý thức tham gia và tuân thủ pháp luật về bảo hiểm của không ít đơn vị, DN sử dụng lao động chưa tốt nên dù thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn, vận động đóng bảo hiểm nhưng vẫn cố tình… chây ì.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, gần đây BHXH tỉnh đã có những giải pháp mạnh tay đối với các hành vi: trốn, chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN; chiếm dụng, gian lận, giả mạo tiền đóng, hưởng bảo hiểm hay sử dụng quỹ bảo hiểm không đúng pháp luật. Đặc biệt, với hành vi để nợ đọng bảo hiểm kéo dài, cơ quan BHXH cùng ngành LĐ-TBXH thường xuyên nhắc nhở, đốc thúc, thanh - kiểm tra các đơn vị, DN. BHXH cũng phối hợp với Công an tỉnh sử dụng biện pháp không cho xuất cảnh đối với chủ DN, đơn vị còn nợ bảo hiểm kéo dài nhằm đề phòng trường hợp bỏ trốn, không thực hiện đúng nghĩa vụ đối với người lao động.

Luật BHXH năm 2024 và Nghị định 21 ngày 31-3-2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới giao quyền thanh, kiểm tra, xử phạt cho ngành BHXH cùng với Bộ luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 1-1-2018 đã quy định xử lý hình sự đối với nhóm tội danh như: gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Đây được xem là những chế tài để giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN hiện nay. Do đó, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục thì việc áp dụng mạnh hơn nữa những chế tài trên được xem là cần thiết đối với những đơn vị, DN cố tình chây ì đóng bảo hiểm cho người lao động. Hay việc áp dụng nghiêm Khoản 14, Điều 23 Luật BHXH về quy định công khai trên phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng cần được sử dụng hiệu quả, hạn chế tình trạng nể nang khiến DN “lờn thuốc”.       

M.N

Tin xem nhiều