Tháng 9-2022 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh cho phép chấm dứt 6 gói thầu của 3 nhà thầu xây dựng 6 công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các nhà thầu này bị đề nghị chấm dứt, thanh lý hợp đồng do sau hơn 1 năm thi công mới chỉ đạt khoảng 15% tổng khối lượng theo hợp đồng.
Tháng 9-2022 vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh cho phép chấm dứt 6 gói thầu của 3 nhà thầu xây dựng 6 công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các nhà thầu này bị đề nghị chấm dứt, thanh lý hợp đồng do sau hơn 1 năm thi công mới chỉ đạt khoảng 15% tổng khối lượng theo hợp đồng.
Theo đó, ngoài lý do khách quan do quá trình thi công chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, do biến động tăng giá nguyên vật liệu thì các công trình bị chậm tiến độ còn do nguyên nhân các nhà thầu tổ chức thi công nhỏ giọt, không bố trí đủ nguồn nhân lực, máy móc để bảo đảm thi công.
Đây cũng là lần đầu tiên các nhà thầu ở một dự án lớn bị chấm dứt hợp đồng do chậm trễ về khối lượng thi công. Trên thực tế, từ đầu năm 2022, dưới áp lực đảm bảo tiến độ cho các dự án giao thông trọng điểm, Bộ GT-VT cùng một số địa phương đã có những động thái mạnh tay với các nhà thầu chây ì trong công tác thi công dự án. Mới đây nhất, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu loại bỏ một nhà thầu trong liên danh thầu XL12 Mai Sơn - quốc lộ 45 (dự án Đường cao tốc Bắc - Nam) vì thi công quá chậm.
Trong chuyến khảo sát thực tế tiến độ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gần đây, Bộ trưởng GT-VT cũng cho rằng, sự chủ quan của các nhà thầu, của ban quản lý dự án là một trong những nguyên nhân chính khiến cho dự án bị chậm tiến độ. Bộ GT-VT đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long đôn đốc các nhà thầu tổ chức thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và khẳng định sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay với các trường hợp nhà thầu không bố trí đủ nguồn tài chính, nhân lực, máy móc… và có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ chung.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ GTVT, hiện trong 10 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang triển khai, 6 dự án thành phần vẫn chưa đáp ứng kế hoạch đề ra và một trong những nguyên nhân chính là do hàng loạt nhà thầu yếu kém, thi công rất chậm, thậm chí chây ì khiến toàn bộ dự án bị ảnh hưởng. Dĩ nhiên, trong số các nguyên nhân khiến nhà thầu chậm trễ, có những nguyên nhân khách quan, song phải thừa nhận, các dự án giao thông luôn thuộc nhóm dự án được Chính phủ, Bộ GT-VT và các địa phương ưu tiên giải ngân, đôn đốc tiến độ.
Muốn kinh tế phát triển, giao thông phải “mở đường”. Một dự án giao thông chậm tiến độ gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển chung. Do đó, việc rà soát, thẩm định năng lực nhà thầu ngay từ đầu, đôn đốc và giải quyết vướng mắc liên tục và mạnh tay cắt hợp đồng, xử lý theo quy định, thay nhà thầu… trong suốt thời gian thi công dự án là điều quan trọng cần làm để đảm bảo tiến độ chung của dự án không ách tắc vì một số nhà thầu chây ì, chậm chạp.
Vi Lâm