Từ khoảng tháng 9-2022 đến nay, nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) bắt đầu "lộ diện" khiến nhiều DN lâm vào khó khăn, đơn hàng sụt giảm, lợi nhuận thấp, song tính chung cả năm 2022, khối DN có vốn đầu tư trong nước vẫn có sự trăng trưởng khá ấn tượng.
Từ khoảng tháng 9-2022 đến nay, nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) bắt đầu “lộ diện” khiến nhiều DN lâm vào khó khăn, đơn hàng sụt giảm, lợi nhuận thấp, song tính chung cả năm 2022, khối DN có vốn đầu tư trong nước vẫn có sự trăng trưởng khá ấn tượng.
Số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, trong 11 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của DN có vốn đầu tư trong nước đạt hơn 5,3 tỷ USD,
tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi khối DN FDI chỉ tăng hơn 10%. Đây là một trong những lần hiếm hoi khối DN trong nước tại Đồng Nai đạt mức tăng trưởng cao hơn khối FDI.
Ngoài ra, theo nhận định của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), tình hình đăng ký kinh doanh của DN trong 11 tháng qua cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm nay. Cụ thể, có 195 ngàn DN đã gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 11 tháng của năm, giai đoạn 2017-2021.
Vài chỉ số nói trên dĩ nhiên chưa đo đếm được toàn bộ chuyển động của khối DN trong nước của năm 2022, song cũng phần nào cho thấy bối cảnh chung là cả thách thức lẫn cơ hội đều song hành trong hoạt động của cộng đồng DN nói chung và của từng DN nói riêng. Nếu 9 tháng năm 2022, nhiều DN dồi dào đơn hàng, lợi nhuận tốt thì từ cuối tháng 9 đến nay, khó khăn bắt đầu lộ rõ. Trong đó, ảnh hưởng chéo từ khó khăn của thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, chứng khoán… đã khiến các kênh cấp vốn của DN bị thu hẹp, lãi suất tăng cao, đơn hàng giảm mạnh làm những tháng cuối năm 2022 thực sự là giai đoạn đầy thử thách. Nhiều DN tại các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM…) đã phải cho công nhân dừng việc, tái cấu trúc, giảm chi phí để tìm cách vượt qua khó khăn.
Mặc dù kết quả của năm 2022 khá khả quan, song phải thừa nhận thách thức vẫn rất nhiều. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, tình hình còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi áp lực lạm phát gia tăng, chính sách chống lạm phát của các nước tác động tới toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể gây tác động lớn tới bên trong. Giá nguyên vật liệu, xăng dầu thiếu ổn định, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, tăng trưởng kinh tế của các nước chậm lại gây ảnh hưởng sức mua…
Trong bối cảnh đó, việc tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại, tăng cường giao thương mở rộng thị trường, chủ động nguyên vật liệu, tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ… cùng các chính sách điều tiết hiệu quả từ vĩ mô về vốn, lãi suất, thủ tục, ưu đãi… chính là những giải pháp để DN tự tin nhận diện, vượt qua thách thức và nắm cơ hội nhiều hơn trong năm mới.
V.L