Thiếu lao động có tay nghề là một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua tại không ít địa phương, nhất là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai.
Thiếu lao động có tay nghề là một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua tại không ít địa phương, nhất là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai. Bên cạnh đó, việc phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng cũng khiến các doanh nghiệp (DN) tốn khá nhiều chi phí và thời gian, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, thời gian qua, một số DN đã chủ động đào tạo và đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường nghề để không bị động về nguồn nhân lực, đặc biệt là với những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang gia tăng.
Giám đốc nhân sự một DN đóng chân tại Khu công nghiệp Biên Hòa cho biết, cách đây gần chục năm, khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, DN cần tuyển dụng khoảng 500 lao động nghề cơ khí, tự động hóa nhưng việc tuyển dụng khá trầy trật. DN đã tham gia đủ các phiên giao dịch việc làm, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin, thậm chí về cả một số địa phương để tiến hành tuyển dụng, nhưng số lao động tuyển được không đủ. Hơn nữa, qua sơ tuyển, những lao động thực tế có thể bắt tay ngay vào công việc không nhiều, khiến kế hoạch mở rộng sản xuất của DN không đạt đúng tiến độ được đề ra trước đó.
Qua nhiều cuộc họp, lãnh đạo DN đã đi đến quyết định đặt hàng một trường nghề trên địa bàn TP.Biên Hòa đào tạo lao động cho DN. Trường nghề phụ trách khâu tuyển dụng, đào tạo; DN có trách nhiệm hỗ trợ khung chương trình đào tạo, môi trường thực hành cho học viên, đồng thời cung cấp những giảng viên là những kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm đang làm việc tại DN. Mô hình hợp tác, liên kết này đã cho thấy hiệu quả khả quan khi DN có thể chủ động hoàn toàn về nguồn nhân lực, trong khi cơ sở giáo dục và đặc biệt là người học không còn phải lo lắng tìm nơi thực tập cũng như “đầu ra” cho học viên của mình.
Rõ ràng, dù có thể tốn kém thêm một khoản kinh phí đào tạo nhưng cái lợi đem đến cho DN là thấy rõ, nhất là trong những thời điểm nguồn cung lao động khan hiếm, nhu cầu tuyển dụng của DN tăng cao. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có sự chủ động này, vẫn còn nhiều DN có tư tưởng thụ động, trông chờ vào các cơ sở dạy nghề. Trong khi đó, không phải trường nghề nào cũng mạnh dạn tìm lối đi riêng trong liên kết, hợp tác đào tạo mà còn thiếu định hướng, tầm nhìn dẫn đến ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, ngành cần thì không đủ để cung ứng, ngành ít nhu cầu lại dư thừa.
Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, trong những thách thức mà Đồng Nai phải đối mặt trong năm 2023, có
thách thức về lực lượng lao động. Đồng Nai hiện có hơn 1 triệu lao động nhưng hơn 50% là lao động phổ thông không qua đào tạo, chủ yếu là gia công, lắp ráp đơn giản, chỉ biết làm một công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Khi chúng ta không còn thu hút những dự án thâm dụng lao động nữa, mà thu hút những dự án đòi hỏi lao động tay nghề cao, lực lượng lao động này sẽ dôi dư. Bất cập là ở chỗ, hiện nay đội ngũ lao động kỹ thuật cao chúng ta đang rất thiếu, trong khi lao động phổ thông lại thừa. Do đó, vấn đề đặt ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp cận với những dự án có hàm lượng chất xám cao, có thể làm việc ở những DN đòi hỏi có tay nghề chuyên sâu đáp ứng được yêu cầu của DN.
Đồng Nai đặt ra mục tiêu trong năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 67,5%. Đồng thời, tăng cường kết nối cung - cầu lao động theo hướng nghề bền vững, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trên địa bàn thời gian tới. Điều này đòi hỏi mối quan hệ giữa DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phải gắn bó chặt chẽ, khăng khít hơn nữa. Trong đó, DN phải giữ vai trò dẫn dắt để cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi đúng hướng.
Minh Ngọc