Đầu năm 2023, khi nhiều doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đang chật vật xoay xở, tìm cách tiết giảm chi phí trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh thì giá cước vận tải đường biển quốc tế giảm sâu. Việc này giúp DN xuất, nhập khẩu trên cả nước bớt gánh nặng chi phí vận chuyển hàng hóa, bởi hàng hóa xuất, nhập khẩu của Đồng Nai đa số vận chuyển bằng đường biển.
Đầu năm 2023, khi nhiều doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đang chật vật xoay xở, tìm cách tiết giảm chi phí trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh thì giá cước vận tải đường biển quốc tế giảm sâu. Việc này giúp DN xuất, nhập khẩu trên cả nước bớt gánh nặng chi phí vận chuyển hàng hóa, bởi hàng hóa xuất, nhập khẩu của Đồng Nai đa số vận chuyển bằng đường biển.
Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, giá cước vận tải hàng hóa xuất khẩu cuối tháng 2-2023 chỉ bằng 30% so với cuối năm 2021 (thời điểm giá cước vận tải cao kỷ lục). Vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, giá cước vận chuyển hàng hóa qua các thị trường: Hoa Kỳ, Canada, châu Âu… từ 300-600 triệu đồng/container. Do đó, nhiều container hàng của DN Đồng Nai xuất khẩu vào những thị trường trên, công vận chuyển bằng hoặc cao hơn giá trị hàng hóa. Mức giá này cao gấp 4-5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Thời điểm đó, nhiều DN tại Đồng Nai chấp nhận sản xuất, xuất khẩu không có lợi nhuận vì chi phí vận tải quá cao; mục đích nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động và giữ uy tín với khách hàng.
Từ cuối năm 2022, giá cước vận tải đường biển quốc tế bắt đầu giảm nhẹ và đến nay đã giảm khoảng 70% so với đỉnh điểm năm 2021. Vì thế, hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường: Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… giảm được nhiều chi phí và DN tiết kiệm được một khoản lớn để tái đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Với Đồng Nai, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nên giá cước vận tải và chi phí logistics hạ nhiệt sẽ giúp DN giảm khoản chi phí khá lớn. Trung bình cứ 1 container xuất khẩu qua Hoa Kỳ, Canada sẽ giảm 200-400 triệu đồng. Như vậy, DN giảm bớt gánh nặng khi xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, điều đáng nói là giá cước vận tải đường biển trên thế giới đang giảm sâu, nhưng giá cước vận tải trong nước vẫn giữ nguyên hoặc tăng nhẹ. Lý giải việc này, một số DN ngành vận tải cho rằng, giá vận tải trong nước khó giảm được khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao, chi phí lao động và các chi phí khác vẫn tăng. Hiện nay, chi phí cho logistics của Việt Nam chiếm gần 17% trong giá trị hàng hóa, trong khi các nước trên thế giới chỉ hơn 10%. Điều này cho thấy chi phí logistics đang là gánh nặng trên vai các DN xuất khẩu. Đồng thời, “cản đường” những DN nước ngoài đang muốn dịch chuyển sản xuất hoặc đầu tư vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn giảm giá cước vận tải nói riêng, giảm chi phí logistics nói chung thì Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi kết nối đồng bộ. Ngoài ưu tiên đầu tư cho dự án giao thông đường bộ, Chính phủ cần quan tâm dành vốn để đầu tư cho các dự án đường sắt, đường thủy vì giá thành vận chuyển của 2 lĩnh vực này chỉ bằng 50-60% so với đường bộ. Trong khi đó, giảm được tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, chi phí đầu tư đường sắt, đường thủy cũng rẻ hơn so với xây dựng đường bộ.
Hương Giang