Một trong những kinh nghiệm được các cán bộ Công đoàn rút ra sau nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) chính là chỉ khi trong DN giữ được mối quan hệ lao động hài hòa, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thì DN ít xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể hay đình công.
Một trong những kinh nghiệm được các cán bộ Công đoàn rút ra sau nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) chính là chỉ khi trong DN giữ được mối quan hệ lao động hài hòa, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thì DN ít xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể hay đình công. Lãnh đạo DN chủ động đối thoại với NLĐ, chịu khó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, chắc chắn khi hoạt động gặp khó khăn, NLĐ sẽ sẵn sàng chia sẻ và đồng hành.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, mỗi năm trên địa bàn tỉnh, số DN ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị NLĐ đều gia tăng. Điều này cho thấy nhận thức của DN ngày càng chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện các quy định có liên quan đến NLĐ. Nhiều DN rất tự giác, chủ động trong việc tổ chức hội nghị NLĐ định kỳ và mong muốn thông qua hội nghị này được hiểu hơn về NLĐ của mình, từ đó trong khả năng có thể điều chỉnh các chế độ phúc lợi phù hợp hơn. Không ít chủ DN thường xuyên xuống tận xưởng sản xuất gặp gỡ NLĐ; cùng với Công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động gắn kết để NLĐ có điều kiện được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Khoảng cách giữa lãnh đạo và NLĐ được rút ngắn lại thông qua những buổi gặp gỡ, hội nghị như thế.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng chú trọng việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hay tổ chức hội nghị NLĐ, gặp gỡ, đối thoại với NLĐ. Có DN tổ chức những hoạt động này cho có, rất hình thức và hiệu quả đạt được không cao. Điều này thể hiện ở việc chủ DN không xuất hiện ở những buổi đối thoại hay hội nghị NLĐ để trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe và giải đáp ngay những vấn đề mà NLĐ còn băn khoăn mà khoán trắng cho tổ chức Công đoàn hoặc bộ phận nào đó trong DN. Chính vì vậy, NLĐ không biết những ý kiến đóng góp của mình có đến được với nơi cần đến hay không và giải quyết ra sao. Chủ DN “làm ngơ” dẫn đến có những bức xúc không được giải tỏa kịp thời khiến mối quan hệ lao động trở nên lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đình công, ngưng việc tập thể ở một số DN thời gian qua.
NLĐ là tài sản quý của mỗi DN. Việc quan tâm, chăm lo cho NLĐ bằng việc thực hiện đầy đủ những chính sách, chế độ mà pháp luật quy định là nghĩa vụ và trách nhiệm của DN đối với NLĐ. NLĐ chỉ an tâm làm việc và cống hiến cho nơi nào thực hiện tốt, đảm bảo các chế độ, chính sách cho mình đồng thời luôn lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của họ. Vì thế, để DN phát triển ổn định, nhất định DN không thể thờ ơ với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức định kỳ hội nghị NLĐ hay ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể; đồng thời, tăng cường đối thoại, giao lưu, chăm lo cho NLĐ bằng những chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Minh Ngọc