Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều hành giá xăng dầu cần linh hoạt

07:02, 13/02/2023

Sau hàng loạt kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trên cả nước, mới đây Chính phủ đã đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Sau hàng loạt kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trên cả nước, mới đây Chính phủ đã đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Mục tiêu là nhằm ổn định nguồn cung, giá xăng dầu, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu như thời điểm năm 2022.

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua, chuỗi cung ứng xăng dầu bị đứt gãy, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân và DN, nguyên nhân chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước chưa linh hoạt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đồng thời, VCCI cũng chỉ ra 2 nguyên nhân dẫn đến thị trường xăng dầu Việt Nam bất ổn.

Cụ thể, trước đây, giá xăng dầu thế giới ít biến động, điều hành giá trong nước không khác nhiều so với giá thế giới nên tình trạng thiếu hụt xăng dầu trước mỗi kỳ điều chỉnh diễn ra không phổ biến. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, giá xăng dầu thế giới biến động mạnh nên việc thiếu hụt xăng dầu lan rộng và gây tác động tiêu cực ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Một nguyên nhân khác nữa là các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng như: vận chuyển, bảo hiểm, lãi vay... nhưng chưa được cập nhật trong giá điều hành.

Để ngăn chặn tình trạng thiếu xăng dầu bán lẻ, ổn định thị trường trong nước, thời gian qua, Bộ Công thương đã áp dụng biện pháp là xử phạt cây xăng đóng cửa. Nhiều cây xăng vì sợ bị phạt đã mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng. Do đó, cuối năm 2022, có thời điểm người tiêu dùng phải xếp hàng đợi 1-2 giờ liền để mua xăng và nhiều cây xăng khống chế số lượng chỉ bán chỉ từ 1-2 lít/lần với xe máy và 300 ngàn đồng/lần với xe ô tô.

Sở dĩ diễn ra tình trạng trên vì giá bán xăng dầu thấp hơn chi phí các DN bị thua lỗ lớn. Trong bối cảnh trên, các cây xăng càng bán ra số lượng lớn thì càng thua lỗ nặng. Nhiều DN xăng dầu ở Đồng Nai cho biết, họ đã “gồng mình” chịu lỗ từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng/tháng trong một thời gian dài. Một số DN nhỏ không trụ nổi đã rời khỏi thị trường kinh doanh xăng dầu.

Do đó, các DN kinh doanh xăng dầu mong muốn Chính phủ sớm ban hành phương án điều hành giá xăng dầu mới, linh hoạt và phù hợp với điều kiện hiện nay. Như vậy sẽ giúp DN trên lĩnh vực này yên tâm kinh doanh, đầu tư mới góp phần đảm bảo năng lượng quốc gia.

Mới đây, Bộ Công thương đưa ra 2 phương án điều hành giá xăng dầu. Trong đó, phương án 1 là Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, các chi phí trong giá cơ sở. Phương án 2 là Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định.

VCCI và nhiều DN kinh doanh xăng dầu đề nghị, Chính phủ chọn phương án 2 vì có biện pháp khắc phục nhược điểm, còn phương án 1 không có biện pháp hiệu quả để khắc phục nhược điểm. Ngoài ra, các DN cũng đề xuất Chính phủ xem xét lại quy định về chiết khấu trong giá bán lẻ xăng dầu, cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp.

   Uyển Nhi

Tin xem nhiều