Từ xa xưa, trong dân gian ta đã có câu "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", điều này cho thấy nguồn tài nguyên nước luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Đến nay, điều này vẫn không thay đổi nên các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có những chính sách quy định cụ thể để sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Từ xa xưa, trong dân gian ta đã có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy nguồn tài nguyên nước luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Đến nay, điều này vẫn không thay đổi nên các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có những chính sách quy định cụ thể để sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Đặc biệt, trong 6 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu gây ra nhiều hệ lụy như: nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán trong mùa khô thì việc bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt càng trở lên cấp thiết hơn. Bởi, thiếu nguồn nước ngọt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân và khó phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Đồng Nai, những năm gần đây, tỉnh rất chú trọng đến việc bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt để giữ nguồn nước cho tương lai. Cụ thể, tháng 1-2022, tỉnh đã ban hành cùng lúc Quyết định số 297/QĐ-UBND về Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Quyết định số 298/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Các quyết định trên để các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác nước ngầm. Trong đó, tỉnh cũng nêu rõ, những khu vực đã có hệ thống nước tập trung xử lý từ nước mặt thì không cấp phép khai thác nước ngầm. Mục tiêu hạn chế khai thác nước ngầm quá nhiều sẽ gây cạn kiệt nguồn nước, đất đai bị sụt lún, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, bảo vệ nước mặt cũng rất quan trọng, vì hiện tại và tương lai nguồn nước này sẽ cung cấp chính cho sinh hoạt, sản xuất. Vì thế, đầu tư mới, nạo vét, sửa chữa nâng cấp các hồ đập để trữ nước cũng được Đồng Nai rất quan tâm. Tỉnh dự kiến sẽ bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, cắm mốc để bảo vệ hành lang sông, suối trên địa bàn. Những nỗ lực trên sẽ giúp Đồng Nai bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm tốt hơn cho tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.
Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiết kiệm nguồn nước tưới thông qua lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tưới phun, chuyển đổi sang những cây trồng sử dụng ít nước. Với sản xuất công nghiệp, tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào sản xuất tuần hoàn, xử lý nước thải và tái sử dụng. Một số doanh nghiệp ở Đồng Nai đã hưởng ứng, thực hiện khá tốt.
Theo các chuyên gia về môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên nước là trách nhiệm của cả cộng đồng. Cá nhân mỗi người dân cũng có thể tham gia bằng những hành động thiết thực như: sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch trong sinh hoạt, hạn chế những việc làm có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Bảo vệ nguồn nước cũng là đang góp phần vào giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu.
Hương Giang