Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 chính thức được đưa vào thực hiện đối với học sinh lớp 1. Đến nay, chương trình GDPT mới đã áp dụng ở các lớp: 1, 2, 3, 6, 7 và 10 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 chính thức được đưa vào thực hiện đối với học sinh lớp 1. Đến nay, chương trình GDPT mới đã áp dụng ở các lớp: 1, 2, 3, 6, 7 và 10 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đánh giá, đây là chương trình có nhiều ưu điểm, khơi dậy được tinh thần chủ động, sáng tạo trong giáo viên và học sinh, nhận được sự quan tâm, đồng thuận của phụ huynh và xã hội.
Điểm mới trong Chương trình GDPT mới 2018 được đánh giá khá cao, đó là chương trình được xây dựng theo hướng mở, lấy người học làm trung tâm, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Chương trình có sự đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; tăng quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên, nhằm giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp…
Thực hiện chương trình này, các địa phương trong cả nước đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất nhằm đảm bảo học sinh được học 2 buổi/ngày; giáo viên được tăng cường bồi dưỡng, tập huấn để đạt chuẩn, tiếp cận với những phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại. Chính vì thế mà chất lượng GDPT được nâng lên một cách thực chất, từng bước tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, khi thực hiện Chương trình GDPT mới 2018, hàng loạt khó khăn bắt đầu lộ diện và ít nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu, hiệu quả mà chương trình hướng đến, trong đó phổ biến nhất ở các địa phương là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Bên cạnh đó, không ít giáo viên gặp trở ngại khi phải dạy học theo hướng tích hợp nhiều môn trong khi có môn không phải là sở trường. Tình trạng giáo viên nghỉ việc ngày càng gia tăng ở nhiều địa phương hay việc đấu thầu để mua trang thiết bị giáo dục gặp trở ngại cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chương trình.
Như tại Đồng Nai, do điều kiện cơ sở vật chất của nhiều trường phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu nên hiện nay tỷ lệ trường dạy 2 buổi/ngày rất thấp. Trong khi đó, theo lộ trình, Chương trình GDPT mới 2018 sẽ triển khai ở tất cả các cấp học nên với tình hình trường, lớp như hiện nay, ngành Giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về trường lớp, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên thì rất khó để chương trình triển khai hiệu quả.
Tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình GDPT mới do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM vào tháng 12-2022, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải khi triển khai chương trình GDPT mới đồng thời cho rằng, sẽ vừa làm, vừa gỡ khó để chương trình đạt hiệu quả tốt nhất.
Nguyễn Phượng