Những năm qua, quản lý về đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm. Các địa phương đều giao cho chủ tịch UBND các phường, xã phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng.
Những năm qua, quản lý về đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh luôn là vấn đề được tỉnh quan tâm. Các địa phương đều giao cho chủ tịch UBND các phường, xã phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng. Tuy số vụ vi phạm về đất đai, xây dựng tại các địa phương có giảm nhưng vẫn còn phát sinh những vụ việc mới và chưa xử lý dứt điểm được những vụ việc vi phạm cũ. Những địa phương phát sinh nhiều vụ vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trong các năm trước là: Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Long Thành...
Các địa phương đã tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu tháo dỡ trả lại nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm những vụ việc trên còn rất chậm. Vì nếu người dân không tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền địa phương phải tiến hành cưỡng chế, quá trình này mất nhiều thời gian và không dễ thực hiện. Cán bộ lãnh đạo một số địa phương cho rằng, những vụ vi phạm về đất đai, xây dựng chưa xử lý dứt điểm, hầu hết là phát sinh từ nhiều năm trước. Còn 2-3 năm trở lại đây, ít phát sinh vụ vi phạm mới.
Để xảy ra hàng trăm vụ vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là do trước đây công tác quản lý tại một số địa phương bị buông lỏng. Do đó, dẫn đến nhiều trường hợp tự ý phân lô, bán nền, làm đường, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Có những nơi đã hình thành những khu dân cư tự phát như tại các phường, xã như: Hóa An, Trảng Dài, Long Bình, Tam Phước (TP.Biên Hòa); Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu); TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch)… Người mua đất và xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đa số là công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn. Họ vì không đủ tiền mua đất thổ cư, nhà ở tại các dự án nên đã “làm liều” mua đất nông nghiệp và xây dựng nhà ở trái phép, dù biết rằng làm như vậy là vi phạm pháp luật và rủi ro cũng rất lớn.
Thời gian qua, nhiều cán bộ xã, phường tại TP.Biên Hòa và một số huyện đã phải trả giá cho việc buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến phát sinh hàng loạt công trình xây dựng trái phép. Thực tế, nếu chính quyền cấp xã, phường phối hợp với ấp, khu phố chặt chẽ trong công tác theo dõi, quản lý đất đai, xây dựng sẽ không để phát sinh những trường hợp phân lô, bán nền đất nông nghiệp và sau đó dẫn đến xây dựng trái phép.
Gần đây, cũng có một số “cò đất” lách luật bằng cách tách đất nông nghiệp ở hạn mức nhỏ nhất, sau đó cho nhiều người mua đồng sở hữu. Tuy tỉnh đã ban hành quy định mới về tách thửa đất và nâng diện tích tách thửa tối thiểu lên gấp 2 lần so với trước, nhưng cũng sẽ không ngăn chặn hết tình trạng tách nhỏ thửa đất nông nghiệp để chuyển nhượng cho nhiều người. Vì vậy, chính quyền xã, phường quản chặt không cho xây dựng trên đất nông nghiệp và tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết, sẽ ngăn chặn được các vụ việc xây dựng trái phép. Quản lý tốt về đất đai sẽ giúp các địa phương sử dụng hiệu quả đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Khánh Minh