Theo quy định, cán bộ Đoàn cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ cấp, giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Sau tuổi này, cán bộ Đoàn phải chuyển qua một vị trí công tác khác, tùy theo quy hoạch và bố trí, sắp xếp của địa phương. Trên thực tế, không ít cán bộ Đoàn cảm thấy rất hụt hẫng vì "đầu ra" của mình không hề tương xứng, thậm chí có trường hợp không biết đi đâu, về đâu khi hết tuổi.
Theo quy định, cán bộ Đoàn cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ cấp, giữ chức vụ không quá 35 tuổi.
Không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt của các phong trào, hoạt động của tuổi trẻ ở xã, phường, thị trấn. Nhiều người hy sinh tuổi xuân, “cháy” hết mình cho phong trào Đoàn. Họ làm việc vì tình yêu, bởi phụ cấp từ vị trí này rất thấp, không đủ trang trải sinh hoạt cho bản thân chứ chưa nói gì đến chuyện giúp đỡ gia đình. Vì thế, không ít cán bộ Đoàn phải làm nhiều công việc khác nhau kiếm thêm thu nhập để nuôi dưỡng niềm đam mê với công tác Đoàn ở địa phương.
Tuy nhiên, cũng chính vì công việc vất vả, chế độ phụ cấp thấp đã và đang khiến cho một bộ phận cán bộ Đoàn cơ sở chán nản và bỏ việc, khiến phong trào Đoàn ở không ít địa phương đi xuống. Bên cạnh đó, việc sắp xếp công việc sau khi cán bộ Đoàn hết tuổi theo quy định chưa hợp lý cũng khiến việc tìm nguồn cán bộ Đoàn kế cận khá khó khăn. Đây là thực trạng xảy ra ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở.
Phong trào Đoàn muốn phát triển không thể thiếu những thủ lĩnh Đoàn tâm huyết, năng động, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, “hậu” của sự tâm huyết ấy, nếu không được đền đáp một cách tương xứng rất dễ dẫn đến việc mất đi những cán bộ Đoàn hết mình vì phong trào, hoạt động Đoàn ở cơ sở. Do đó, để việc bố trí, sắp xếp cán bộ Đoàn sau khi hết tuổi theo quy định hợp tình hợp lý, công tác quy hoạch của các địa phương phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng sao cho không bị hụt lực lượng quan trọng này. Muốn vậy, tổ chức Đoàn cần phải chủ động tham mưu cho các cấp ủy cùng cấp, phối hợp với cấp ủy cấp dưới thường xuyên rà soát tình hình cán bộ và phải chuẩn bị từ sớm, tránh lúng túng, bị động rồi bố trí cho có, ảnh hưởng đến tâm tư cán bộ Đoàn.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ Đoàn cũng phải có ý thức rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị kỹ năng làm việc để đáp ứng được yêu cầu công tác và sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ mới được phân công. Chỉ khi chuẩn bị cho mình hành trang đầy đủ, dù tổ chức có đặt mình vào bất kỳ vị trí nào cũng có thể sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tất nhiên, về lâu dài, đây vẫn là vấn đề cần phải có những giải pháp căn cơ hơn nữa, để những cán bộ Đoàn cơ sở yên tâm, không còn cảm giác thấp thỏm, lo lắng khi hết tuổi công tác Đoàn.
Minh Ngọc