Những năm trở lại đây, đối thoại và tiếp công dân đã trở thành hoạt động thường xuyên, định kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở.
Những năm trở lại đây, đối thoại và tiếp công dân đã trở thành hoạt động thường xuyên, định kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở. Đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định mà còn thể hiện sự sâu sát của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lắng nghe và kịp thời giải quyết những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc.
Tại Đồng Nai, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đến nay, hoạt động đối thoại và tiếp công dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện khá nghiêm túc, trong đó ưu tiên lựa chọn những vấn đề nóng, liên quan thiết thực đến đời sống của người dân để đối thoại, tiếp công dân. Chẳng hạn như, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với công nhân lao động hay người dân phải nhường đất cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Lãnh đạo các địa phương không chỉ tổ chức đối thoại, tiếp công dân theo định kỳ mà còn tranh thủ tiếp dân vào bất kỳ khoảng thời gian nào nếu thấy vấn đề người dân gửi gắm là cấp bách, cần ngay giải pháp để tháo gỡ…
Chính vì thường xuyên tổ chức được các buổi đối thoại, tiếp xúc với dân mà người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nắm bắt được tâm tư, tình cảm của người dân, từ đó kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện rốt ráo, “khơi thông” được những điểm nghẽn cản trở quá trình phát triển. Đặc biệt, với một tỉnh đang là đại công trình của hàng loạt dự án lớn như Đồng Nai, nếu không lắng nghe và giải quyết đến cùng những bức xúc, rất khó để tỉnh đẩy nhanh được tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, chỉ riêng vấn đề bố trí tái định cư hay giải quyết chế độ bồi thường cho người dân bị thu hồi đất cũng cần sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị có liên quan nhằm tạo sự đồng thuận từ nhân dân.
Trong các buổi đối thoại, tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ rõ từng vấn đề cần giải quyết, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực có liên quan. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những vướng mắc về pháp lý, quy định, không phải chỉ đạo nào cũng được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Vì thế, có những nội dung sau đối thoại chưa được giải quyết kịp thời khiến người dân vẫn phải chờ đợi kéo dài.
Để hoạt động đối thoại, tiếp công dân phát huy hiệu quả, tạo được đồng thuận của người dân, cần sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa từ các đơn vị, cá nhân có liên quan. Bởi chỉ khi sự việc được giải quyết đến cùng, những bức xúc, tâm tư của người dân mới được giải tỏa, giúp củng cố niềm tin vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Không nên tổ chức đối thoại, tiếp công dân cho có. Đặc biệt, sau mỗi cuộc đối thoại, tiếp công dân, tiến độ giải quyết ra sao, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân như thế nào cần được theo dõi sát sao để có đánh giá đúng và thực chất.
Nguyễn Phượng