Báo Đồng Nai điện tử
En

Mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe con người

07:05, 31/05/2023

Từ năm 1987, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày 31-5 hàng năm là Ngày thế giới Không thuốc lá với mong muốn tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu.

Từ năm 1987, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày 31-5 hàng năm là Ngày thế giới Không thuốc lá với mong muốn tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Cũng thông qua ngày này, cộng đồng nhận thức rõ hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, từ đó có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình và những người xung quanh.

Sáng kiến của WHO đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các quốc gia thành viên, đặc biệt là từ những tổ chức y tế chăm sóc sức khỏe và người không hút thuốc lá với rất nhiều hoạt động thiết thực đã, đang được triển khai. Kết quả đáng ghi nhận là nhận thức của xã hội về tác hại của thuốc lá ngày càng được nâng cao, số người hút thuốc giảm rõ rệt ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, so với mong muốn thực tế, tỷ lệ người hút thuốc lá và người chịu tác động thụ động từ khói thuốc vẫn khá lớn. Thuốc lá và khói thuốc tiếp tục là mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe con người.

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới Không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5-2023) do Bộ Y tế tổ chức mới đây, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thông tin, ở Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40 ngàn người đã bị thuốc lá lấy đi sinh mạng. Hiện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Vì vậy, để giảm số người tử vong do thuốc lá, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có tăng thuế và giá thuốc lá; đồng thời, ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa…

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân để xây dựng môi trường không khói thuốc, đồng thời công bố mức xử phạt đối với người hút thuốc lá ở nơi công cộng. Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24-5-2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.

Theo đó, giai đoạn 2026-2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%; tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu như thuốc lá vẫn được bày bán khắp nơi với giá rẻ; khung xử phạt hành vi hút thuốc lá chưa có tính răn đe, thậm chí khó xác định vi phạm… Do đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cần hơn nữa sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi người dân trong cộng đồng.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều