Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh để tránh gây bức xúc…

07:07, 13/07/2023

Cầm danh sách liệt kê số lượng sách giáo khoa (SGK) lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 trên tay, nhiều phụ huynh có con vừa trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024 đi mua sách tại một nhà sách ở TP.Biên Hòa không khỏi… sốc, vì mỗi cuốn nằm trong một bộ sách khác nhau.

Cầm danh sách liệt kê số lượng sách giáo khoa (SGK) lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 trên tay, nhiều phụ huynh có con vừa trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024 đi mua sách tại một nhà sách ở TP.Biên Hòa không khỏi… sốc, vì mỗi cuốn nằm trong một bộ sách khác nhau. Phụ huynh không thể tự chọn sách mà phải nhờ nhân viên nhà sách tìm hộ, vì sợ tìm không đúng theo yêu cầu.

Không chỉ học sinh lớp 10, đến năm học 2023-2024, chương trình giáo dục phổ thông mới gần như đã phủ kín các lớp học theo đúng lộ trình mà Bộ GD-ĐT đã đề ra. Chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông mới là “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” nên các trường có quyền lựa chọn những cuốn sách khác nhau trong các bộ sách để triển khai giảng dạy. Phụ huynh đã nghe nói, biết đến điều này qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ những buổi họp phụ huynh và thông báo của giáo viên, nhưng khi đi mua sách mới thấy khá “đau đầu”.

Không những thế, giá SGK tăng cũng khiến phụ huynh bức xúc. Bởi thời buổi khó khăn, với nhiều gia đình, chuyện học phí, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho các con chuẩn bị năm học mới là một nỗi lo khá lớn. Giá sách tăng trong khi sách cũ không tận dụng được gây nên sự lãng phí lớn. Điều này đã được cử tri, đại biểu Quốc hội nhiều lần phản ánh lên diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây vẫn là vấn đề còn gây bức xúc và đòi hỏi ngành GD-ĐT phải có sự tính toán, điều chỉnh để không xảy ra tình trạng khan hiếm SGK, giá SGK quá cao; và có thể tái sử dụng được SGK cho học sinh trong nhiều năm liên tục.

Mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 mong muốn đạt được là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú. Từ đó, có được cuộc sống ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Nội dung SGK đóng vai trò là "học liệu" (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học; dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; mỗi môn học có nhiều SGK. Một chương trình, nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ "truyền thụ kiến thức" sang dạy học "phát triển năng lực". Mục tiêu này được đánh giá là tiên tiến, tiệm cận với những nền giáo dục phát triển trên thế giới hiện nay. Tất nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần sự đồng bộ từ chương trình, đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất…

Chương trình giáo dục phổ thông mới đến thời điểm này đã đạt được một số mục tiêu nhất định, nhưng riêng về SGK vẫn còn nhiều chuyện lấn cấn cần sự điều chỉnh hợp lý để tránh gây những bức xúc không đáng có cho phụ huynh và xã hội.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích