Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động

Thảo My
09:33, 30/09/2023

Nhiệm kỳ 2018-2023, cùng với các hoạt động chăm lo hiệu quả, các cấp Công đoàn đã phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ). Qua đó, đảm bảo các chế độ, chính sách của NLĐ kịp thời, ổn định quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật cho công nhân. Ảnh: T.Mai
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật cho công nhân. Ảnh: T.Mai

* Tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ

Điểm nhấn trong đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, NLĐ đó là hoạt động tư vấn pháp luật lao động của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh. Đây là mô hình hoạt động tiêu biểu trong hệ thống Công đoàn cả nước, được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao trong bảo vệ quyền lợi, tạo niềm tin với NLĐ. Ngoài tư vấn pháp luật, trung tâm còn hỗ trợ pháp lý khi NLĐ bị doanh nghiệp (DN) nợ lương, thưởng, chất dứt hợp đồng lao động trái luật cùng nhiều vấn đề khác.

Ông Vương Quốc Anh (ngụ TP.Biên Hòa) từng bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và đã được Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh hỗ trợ đòi lại quyền lợi tại tòa. Nhờ đó, ông Anh được công ty bồi thường số tiền hơn 200 triệu đồng cho những ngày không được làm việc và 2 tháng tiền lương.

“Tôi yên tâm và vững tin vào công lý khi được cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh sát cánh từ lúc khởi kiện cho tới lúc có kết quả xét xử. Nếu không được hỗ trợ nhiệt tình, tôi khó đòi lại quyền lợi của mình” - ông Anh chia sẻ.

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, trong nhiệm kỳ qua, trung tâm đã hỗ trợ pháp lý cho trên 4 ngàn lượt lao động, trực tiếp tham gia hòa giải và bảo vệ tại tòa án 590 người. Theo đó, NLĐ đã được người sử dụng lao động bồi thường số tiền gần 10 tỷ đồng. Để có được kết quả trên là sự nỗ lực của đội ngũ luật sư và tư vấn viên tại trung tâm, luôn đồng hành, hỗ trợ pháp lý để cùng sát cánh bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Theo nhiều công nhân lao động, trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn các cấp cần tiếp tục sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời phản ảnh của NLĐ liên quan đến chế độ, chính sách chưa thỏa đáng và việc vi phạm pháp luật lao động của DN. Ngoài ra, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng những sai phạm của DN để có hình thức xử lý nghiêm. Công đoàn cần vào cuộc quyết liệt hơn để đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết, nội dung các vụ tranh chấp lao động thường do NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải trái pháp luật; NLĐ khởi kiện đòi tiền trợ cấp thôi việc, tiền thưởng hàng năm, chế độ tai nạn lao động… Có nhiều vụ tranh chấp lao động liên quan đến quyền lợi của NLĐ rất khó và kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm. Song đội ngũ luật sư và tư vấn viên pháp luật của trung tâm vẫn luôn kiên trì, bám trụ đến khi quyền lợi của NLĐ được bảo vệ.

Từ năm 2018, trung tâm cùng với các ban chuyên đề đã tổ chức những buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ tại các khu nhà trọ… Theo đó, đã có hơn 200 buổi tư vấn lưu động cho trên 49 ngàn lượt công nhân. Trung tâm còn có sáng kiến xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt được lựa chọn từ những công nhân hoạt bát, nhiệt tình để làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ. Qua tư vấn, hỗ trợ pháp lý, NLĐ không những nâng cao kiến thức mà còn có thể tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh tranh chấp với DN.

* Vẫn cần sâu sát hơn

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp tập trung đông công nhân lao động nên tổ chức Công đoàn tỉnh luôn coi việc ổn định quan hệ lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ là nhiệm vụ then chốt. Ngoài đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các sở, ngành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN. Qua đó, đề nghị các DN khắc phục những hạn chế, thực hiện đúng quy định pháp luật đối với NLĐ.

Hoạt động bảo vệ quyền lợi của NLĐ dù được thực hiện thường xuyên với nhiều giải pháp quyết liệt, song hiện nay, tình trạng DN nợ lượng, bảo hiểm xã hội của NLĐ vẫn xảy ra. Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết, có những DN đã thu tiền bảo hiểm xã hội của NLĐ nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Từ đó, quyền lợi của NLĐ bị thiệt thòi như không thể chốt sổ bảo hiểm, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…

Anh N.V.H., làm việc tại một DN sản xuất phụ kiện giày ở H.Nhơn Trạch cho hay, từ sau đại dịch Covid-19, công ty đã tìm cách sa thải lao động, nhất là lao động lớn tuổi có thu nhập cao. Một số lao động bị điều chuyển sang công việc không phù hợp với chuyên môn. Bản thân anh cũng làm quản lý sản xuất với mức lương 18 triệu đồng/tháng nhưng hàng ngày đến công ty, anh không được giao việc mà ngồi đợi đến giờ tan làm. Dù rất bất bình nhưng anh H. nhất quyết không làm đơn xin nghỉ việc.

Thực tế, những vụ tranh chấp lao động xảy ra đều do DN không thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho NLĐ. Thực trạng lách luật, né tránh trách nhiệm của DN đối với NLĐ cũng diễn ra nhiều nơi. Nhất là thời điểm khó khăn như hiện nay, vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ có nhiều thay đổi. Nhiều lao động do hiểu biết pháp luật hạn chế nên bị DN sa thải hoặc tìm mọi cách để NLĐ tự viết đơn xin nghỉ việc. Đó là những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động mà hơn lúc nào hết, NLĐ luôn cần tổ chức Công đoàn, các ngành chức năng có những giải pháp quyết liệt hơn để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Thảo My

 

 

Tin xem nhiều