Hiện nay, việc hỗ trợ, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho người lao động (NLĐ) mất việc, giãn việc đang là vấn đề được tổ chức Công đoàn và các ngành quan tâm, nhất là chỉ còn gần 3 tháng nữa đến Tết Dương lịch.
Ổn định việc làm cho người lao động cuối năm là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Toband Smart Đồng Nai (H.Long Thành) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai |
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các ngành nghề như: gỗ, điện tử, may mặc, giày da, cơ khí… để nắm rõ tình hình sản xuất, kinh doanh và việc làm của NLĐ. Đồng thời, đồng hành với DN tìm các phương án nỗ lực duy trì việc làm, đảm bảo ổn định nhân lực, đón đầu khi thị trường phục hồi.
* Nỗ lực ổn định việc làm cho NLĐ
Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu) Võ Thị Mỹ Lương cho biết, đến thời điểm này, các DN vẫn khó khăn về đơn hàng nhưng đã nỗ lực giữ việc cho NLĐ. Nhưng về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ DN và NLĐ để vượt qua khó khăn trước mắt.
Thời gian qua, tại Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (TP.Biên Hòa), do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung của thế giới, các đơn hàng đều giảm. Tuy nhiên, thay vì cắt giảm lao động, công ty chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho công nhân lao động. Theo DN, NLĐ là huyết mạch của công ty nên thay vì cắt giảm lao động, DN đã tìm nhiều biện pháp để duy trì việc làm bằng cách mở rộng thị trường tiêu thụ và thực hiện cải tiến liên tục nhằm tăng năng suất, tiết giảm chi phí.
Các cán bộ Công đoàn cho rằng, DN cần tăng cường đối thoại để báo cáo tình hình sản xuất và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Bên cạnh đó, cần nêu thực trạng khó khăn về đơn hàng để NLĐ chia sẻ, cùng DN vượt qua giai đoạn này.
Ở nhiều DN ngành điện tử, may mặc cũng không thoát khỏi “cơn bão” thiếu đơn hàng, nhưng vẫn cố gắng giữ chân NLĐ bằng các phương án như: sắp xếp cho NLĐ nghỉ phép năm để duy trì lượng lao động ổn định khi thị trường “sáng” trở lại. Ngoài ra, các DN nhận một số đơn hàng không thuộc thế mạnh nhằm mở rộng thị trường, khách hàng, gia tăng thu nhập cho NLĐ. Các DN chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, nhận đơn hàng với giá rất cạnh tranh và chia sẻ khó khăn với công nhân bằng cách thỏa thuận trả lương trong thời gian nghỉ giãn việc dựa trên tình trạng thực tế của DN.
* Cần thêm chính sách hỗ trợ
Các DN cho biết, thông thường, cuối năm là dịp thu hút nhiều lao động vì nhu cầu sản xuất tăng cao, song trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu nên các DN buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng hoặc cho ngừng việc, làm việc luân phiên. Nhiều lao động vì việc làm ít, thu nhập giảm đã ảnh hưởng đến đời sống, nên viết đơn xin nghỉ việc.
Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch) cho biết, năm 2023, tình hình đơn hàng của DN giảm rất nhiều, đây là điều không ai muốn trong 21 năm thành lập công ty. Thời gian qua, DN và Công đoàn cơ sở cố gắng không giảm lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách nhưng nhiều lao động do việc ít nên đã viết đơn xin nghỉ việc. Dù Công đoàn tuyên truyền để NLĐ gắn bó, đợi DN có đơn hàng trở lại và đến các phòng trọ tặng quà, hỗ trợ công nhân, nhưng vẫn khó giữ chân họ.
Thống kê từ các cấp Công đoàn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 23 ngàn lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, tập trung các ngành: may mặc, giày da, gỗ… Nguyên nhân là do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, DN gặp khó khăn về đơn hàng. Các cấp Công đoàn đang tăng cường theo dõi tình hình lao động, việc làm từ cơ sở và ổn định quan hệ lao động cuối năm. |
Thực tế, khi DN giảm đơn hàng, đời sống, việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng không nhỏ. Công nhân Nguyễn Thị Hường làm việc tại một công ty may xuất khẩu ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay, chị bị sụt giảm thu nhập do gần 3 tháng nay DN thiếu đơn hàng, công nhân chỉ làm việc 4 ngày/tuần. Việc ít, thu nhập giảm, cuộc sống của gia đình chị hết sức chật vật. “Năm trước, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng công việc cuối năm rất ổn định, tăng ca thường xuyên, lương, thưởng đầy đủ. Năm nay, do giảm giờ làm, gia đình tôi buộc phải tằn tiện chi tiêu. Bây giờ, chỉ mong DN sớm có đơn hàng để công nhân có việc làm” - chị Hường chia sẻ.
Còn công nhân Lê Thị Mai Ly (quê tỉnh An Giang) cũng thất nghiệp hơn 2 tháng nay. Cả gia đình chị có 4 người đang ở trọ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa.) Chồng chị làm nghề mộc nhưng thời điểm này hàng không đều nên thu nhập giảm mạnh. Cả gia đình chi tiêu dè sẻn, vừa xoay xở lo cho 2 con gái học tiểu học. Theo chị Ly, trước đây làm công nhân, thu nhập cả tăng ca của chị hơn 6,5 triệu đồng/tháng. Từ khi DN khó khăn, giảm bớt lao động, chị thất nghiệp và đến nay vẫn chưa xin được việc làm mới. Chị Ly tính toán, nếu từ nay đến cuối năm không xin được việc, qua Tết sẽ đưa các con về quê sinh sống.
Để hỗ trợ lao động tìm việc, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai kết nối với các DN tuyển dụng để giới thiệu việc làm cho NLĐ. Theo đó, đã có hơn 4 ngàn lao động có việc làm mới. Đồng thời, tổ chức các sàn việc làm để tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng và giới thiệu việc làm cho NLĐ. Song, với nhóm lao động lớn tuổi, lao động không có tay nghề, để xin được việc làm thời điểm này không hề dễ dàng.
Ổn định việc làm cho NLĐ vào dịp cuối năm là việc làm cần quan tâm hiện nay của địa phương, tổ chức Công đoàn và các ngành liên quan để đảm bảo nguồn lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hơn lúc nào hết, cần có những chính sách chăm lo, hỗ trợ về tiền thuê trọ, chi phí gửi trẻ và nhiều vấn đề an sinh xã hội khác. Ngoài ra, vấn đề ổn định quan hệ lao động cần được quan tâm, nhất là thời điểm cuối năm.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin