Những ngày qua, nhiều người lao động (NLĐ) trên địa bàn Đồng Nai phấn khởi trước thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia đã “chốt” phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng (TTV) 6% từ ngày 1-7-2024 để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Tăng lương sẽ tạo động lực để người lao động vượt khó, gắn bó doanh nghiệp.Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Đồng Tiến trong giờ làm việc |
Đây là chính sách kịp thời vừa giúp NLĐ giảm bớt khó khăn, vừa là động lực để tăng năng suất lao động, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (DN).
Tăng lương, giảm bớt khó khăn cho NLĐ
Nhiều tháng chật vật với cảnh thu nhập giảm do không được tăng ca, việc làm ít, chị Nguyễn Thị Mai Chi (công nhân sản xuất gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) phấn khởi trước thông tin được tăng lương TTV trong năm 2024. “Đây không chỉ là tin vui với tôi mà của hàng triệu lao động trên cả nước, bởi trong tình hình giá cả leo thang, mức lương cơ bản NLĐ chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng lương sẽ chia sẻ bớt khó khăn với NLĐ” - chị Chi bộc bạch.
Tương tự, anh Nguyễn Thành Chung làm việc tại Công Ty TNHH Fashion Garments 2 (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện mức lương cơ bản của anh được gần 4,7 triệu đồng/tháng. Nếu cộng các khoản phụ cấp khác và tăng ca, thu nhập được hơn 6 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, nếu trừ các chi phí sinh hoạt, gần như anh không có khoản tiết kiệm nào. Anh Chung cho rằng, việc tăng lương sẽ giúp NLĐ có thêm một khoản để trang trải cuộc sống, đỡ phải thắt lưng buộc bụng. Đây sẽ là động lực để NLĐ gắn bó lâu dài với DN bởi có ổn định cuộc sống, lo được cho gia đình thì công nhân mới yên tâm làm việc.
Tại phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra ngày 20-12 vừa qua, 16/16 thành viên hội đồng bỏ phiếu thống nhất điều chỉnh lương TTV thêm 6%, áp dụng từ ngày 1-7-2024. Mức tăng từ 200-280 ngàn đồng/tháng (tùy vùng). Cụ thể, vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng lên 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng lên 3,86 triệu đồng/tháng vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng lên 3,45 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, nhiều NLĐ mong muốn, tăng lương cần phải bình ổn giá cả, tránh trường hợp lương tăng, các chi phí sinh hoạt tăng theo. Anh Lê Văn Chín làm việc tại Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) cho biết, hiện lương cơ bản của NLĐ tính theo vùng còn thấp, nếu không tăng ca, dù công nhân đã cố gắng chi tiêu tiết kiệm cũng rất khó đảm bảo được cuộc sống trong thời “bão giá”. Năm nay DN khó khăn, hàng hóa không phải lúc nào cũng ổn định nên NLĐ hầu như không được tăng ca và thu nhập giảm mạnh.
“Được tăng lương rất vui nhưng chúng tôi cũng mong khi lương tăng, giá cả cũng phải được bình ổn, nếu không niềm vui ấy sẽ không còn trọn vẹn” - anh Chín bộc bạch.
Thêm động lực để NLĐ gắn bó
Qua các đợt khảo sát mức lương, đời sống NLĐ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2023 cho thấy, mức lương chưa đáp ứng cuộc sống NLĐ. Cụ thể, tiền lương tối thiểu hiện tại chỉ đáp ứng 1/3 chi tiêu của gia đình NLĐ; hơn 75% NLĐ thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu; 52,3% NLĐ phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Do đó, khi thu nhập giảm, NLĐ đều rơi vào tình trạng bị động.
Tại Đồng Nai, năm 2023, có 67 ngàn lao động làm việc tại 145 DN có tổ chức Công đoàn bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập do DN không có đơn hàng sản xuất. Theo các cán bộ công đoàn cơ sở, năm nay, đơn hàng của nhiều DN giảm từ 30-70%, nhất là ngành sản xuất gỗ. Các DN nỗ lực tìm kiếm đơn hàng và thực hiện các phương án sản xuất để duy trì việc làm cho công nhân. Những tháng cuối năm, một số DN có đơn hàng khởi sắc hơn và đang phục hồi sản xuất, tạo việc làm ổn định cho NLĐ.
Để chia sẻ khó khăn với NLĐ, nhiều DN đã có phương án tăng lương hàng năm cho NLĐ với mức thấp nhất 100 ngàn đồng/người vào ngày 1-1-2024 tới. Ngoài ra, các DN đông lao động đã sớm công bố mức thưởng Tết để động viên công nhân. Tuy nhiên, với những DN khó khăn, việc tăng lương, thưởng Tết còn phải tính toán, cân nhắc và chưa có thông báo cụ thể đến NLĐ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa cho hay, từ khảo sát việc làm, thu nhập của NLĐ trong khu công nghiệp cho thấy, hiện 1 gia đình công nhân chi tiêu 1 tháng hơn 10 triệu đồng, trong khi đó thu nhập bình quân đạt hơn 7,5 triệu đồng/tháng. Điều này chứng tỏ, thu nhập của NLĐ chưa đảm bảo, trong khi việc làm giảm, không được tăng ca đã tạo áp lực cuộc sống với NLĐ. Từ khó khăn của NLĐ, Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp DN tập chung chăm lo Tết 2024 cho NLĐ; trong đó ưu tiên lao động ở DN bị giảm đơn hàng, không có đơn hàng sản xuất.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhất là vào dịp giáp Tết đối với những mặt hàng thiết yếu thì NLĐ tiếp tục gặp những khó khăn. Mức tăng lương TTV 6% trong năm 2024 là phù hợp trong bối cảnh NLĐ rất chia sẻ với DN. Tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên NLĐ nâng cao năng suất cùng với DN vượt khó. Công đoàn cũng mong muốn trong thời gian tới các DN tiếp tục mở rộng thị trường để tăng thêm đơn hàng, có việc làm cho NLĐ.
Trong 10 năm qua, lương TTV thường điều chỉnh vào ngày 1-1 hàng năm nhưng riêng năm 2022 lại điều chỉnh vào ngày 1-7 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Năm 2024, việc làm ổn và tăng lương TTV là niềm mong chờ của NLĐ để cải thiện đời sống. Một khi thu nhập không còn là nỗi lo thì NLĐ có thể an tâm sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu được giao tại DN. Đây cũng là động lực để họ phấn đấu sản xuất, gắn bó cùng DN.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin