Với yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Theo đó, lao động có kỹ năng, tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc là một trong những ưu tiên hàng đầu của DN.
Nâng cao kỹ năng, tác phong làm việc giúp công nhân có việc làm ổn định. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (huyện Long Thành) trong giờ làm việc. Ảnh: N.HÒA |
Với sự nhạy bén trong công việc và tinh thần làm việc nhóm, tiếp nhận công nghệ nhanh, lao động có tay nghề được các DN săn đón tuyển dụng và luôn có chỗ đứng vững tại DN. Tuy nhiên, theo các DN, việc tìm lao động có đủ trình độ, kỹ năng nghề hiện không dễ dàng.
Ưu tiên lao động có tay nghề
Với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, 5 năm qua, Công ty TNHH Shiogai Seiki Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Amata) đã đưa máy móc hiện đại vào một số khâu sản xuất, thay thế cho lao động thủ công. Do vậy, đội ngũ lao động cũng phải nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất của công ty. Hiện DN này tăng cường tuyển dụng hàng chục lao động tay nghề vận hành máy tiện, phay CNC…
Đại diện Phòng Nhân sự công ty cho hay, những lao động đã qua đào tạo nghề cơ khí từ trung cấp trở lên sẽ là ưu tiên của DN, nếu đáp ứng được yêu cầu của công việc. DN chấp nhận trả lương cao tùy theo vị trí công việc. Đặc biệt, lao động tuyển mới nếu đáp ứng kỹ năng công việc sẽ ký hợp đồng ngay và được hưởng các chính sách phúc lợi từ DN. Tuy nhiên, việc tuyển nguồn lực đang khó khăn do các ứng viên nộp hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu. Đây là thử thách đối với DN khi các đơn hàng đã ký kết nhưng thiếu nhân lực có tay nghề.
Từ sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng kinh tế thế giới, nhiều NLĐ bị thất nghiệp và đời sống lâm vào cảnh khó khăn. Từ thực trạng trên, việc nâng cao kỹ năng là giải pháp giúp công nhân lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, đời sống được cải thiện. Đối với NLĐ, cần tham gia học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại.
Tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 1-2024 vừa diễn ra mới đây, một nghịch lý về cung - cầu lao động là dù có nhiều lao động thất nghiệp đến tìm việc làm nhưng DN vẫn không tuyển được lao động. Theo các DN, nguyên nhân là do người lao động (NLĐ) còn thiếu các kỹ năng để làm việc trong môi trường công nghiệp nên khó đáp ứng vào các vị trí việc làm. Mặt khác, nhiều lao động lớn tuổi lại không có tay nghề. Vì vậy, dù NLĐ tìm việc nhiều, DN vẫn thiếu lao động.
Nhìn lại năm 2023, nhiều NLĐ bị mất việc làm, thất nghiệp, ngoài nguyên nhân DN khó khăn về đơn hàng thì một phần do NLĐ thiếu kỹ năng, tay nghề và tác phong làm việc. Cụ thể, khi một số xưởng sản xuất của các DN thiếu đơn hàng, lao động phổ thông không thể chuyển qua xưởng khác làm việc vì tay nghề hạn chế. Do đó, khi thất nghiệp, nhất là lao động lớn tuổi, NLĐ rất khó tìm lại công việc với thu nhập ổn định. Nhiều lao động lựa chọn về quê hoặc tìm các công việc tự do khác để mưu sinh.
Anh Nguyễn Văn Phú, Quản đốc bộ phận hàn Công ty Cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom) cho hay, quá trình hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi công nhân phải có tay nghề và các kỹ năng mềm như: giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, thái độ làm việc, tính kỷ luật cao và trách nhiệm với công việc. Với tác phong làm việc chuyên nghiệp, NLĐ dễ dàng có chỗ đứng vững tại DN với thu nhập cao.
Nâng cao trình độ, tay nghề cho NLĐ
Lực lượng lao động có tay nghề thường được DN trọng dụng và ít bị sa thải. Đặc biệt, các DN đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nên đòi hỏi NLĐ phải có tính chuyên nghiệp, khả năng làm việc nhóm, năng lực tư duy và đưa ra được những giải pháp cải tiến hiệu suất công việc. Đặc biệt, NLĐ phải có đạo đức nghề nghiệp, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với công việc. Bản thân NLĐ không ngừng nỗ lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho DN.
Nhằm xây dựng đội ngũ NLĐ năng động, sáng tạo và có việc làm ổn định, thu nhập tốt hơn, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Công đoàn về nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ. Bên cạnh đó, nhiều DN hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện để NLĐ đi học tập, nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu công việc.
Ngoài ra, các Công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại để người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí cho đoàn viên, NLĐ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; vận động công nhân học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thông qua các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo… Một bộ phận NLĐ kỹ thuật chuyên môn đã trở thành cán bộ quản lý và điều hành DN.
Tuy nhiên, từ thực tế công việc cho thấy, trình độ học vấn, chuyên môn tay nghề và tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến của NLĐ hiện còn hạn chế.
Là cây sáng kiến tại Công ty TNHH Công nghiệp Plus Việt Nam, anh Thịnh Duy Hùng cho hay, việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ rất quan trọng, nhằm nâng cao hiệu suất công việc và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động. Khi NLĐ có đủ tay nghề và kỹ năng trong công việc sẽ tiếp nhận nhanh mọi công việc mà DN giao, dù ở bất kỳ vị trí việc làm nào.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho NLĐ. Tuy nhiên, hạn chế về kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, tay nghề, tác phong lao động công nghiệp khiến NLĐ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong tìm việc làm. Việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ hiện nay không chỉ là trách nhiệm của các ngành, tổ chức Công đoàn, DN, mà còn là ý thức của NLĐ.
Nguyễn Hòa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin