Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng giải pháp ổn định quan hệ lao động

Lan Mai
08:54, 12/03/2024

Năm 2023, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động, chủ động phòng ngừa, giải quyết các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Từ đó góp phần giảm số vụ tranh chấp lao động trên địa bàn Đồng Nai.

Liên đoàn Lao động tỉnh khảo sát tình hình đời sống, việc làm, nhu cầu nhà ở trong công nhân lao động. Ảnh: L.Mai
Liên đoàn Lao động tỉnh khảo sát tình hình đời sống, việc làm, nhu cầu nhà ở trong công nhân lao động. Ảnh: L.Mai

Tuy nhiên, trong quý I-2024, trước tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN) chưa ổn định, đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ) còn khó khăn, quan hệ lao động vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động. Việc tăng cường các giải pháp ổn định quan hệ lao động được tổ chức Công đoàn và các ngành, DN đặt lên hàng đầu.

* Vẫn xảy ra bất ổn trong quan hệ lao động

Ngày 6-3 vừa qua, 1.700/2.749 lao động tại Công ty TNHH Timber Industries (Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa) đã ngừng việc tập thể. Công nhân yêu cầu được đối thoại với lãnh đạo công ty để kiến nghị xem xét lại những đổi mới về chế độ, chính sách và thời gian làm việc. Trong đó, công nhân kiến nghị công ty thực hiện giờ làm việc như cũ, đề nghị thực hiện thưởng lương tháng 13 như mọi năm và tăng lượng thức ăn, khẩu phần ăn giữa ca.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, đoàn liên ngành giải quyết tranh chấp lao động tập thể của tỉnh đã tổ chức hòa giải. Đoàn đề nghị công ty xem xét điều chỉnh quy chế lương thưởng, cũng như các yêu cầu công nhân đã đưa ra. Sau khi tham khảo ý kiến tổ chức Công đoàn, công ty đã có thông báo kết quả giải quyết đến toàn thể NLĐ. Theo đó, liên quan đến dự thảo quy chế thưởng tháng thứ 13, công ty sẽ không thay đổi, nhưng sẽ xem xét điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp. Đối với yêu cầu tăng khẩu phần ăn, công ty sẽ làm việc với đơn vị cung cấp suất ăn để cải thiện bữa ăn tốt nhất cho NLĐ.

Theo LĐLĐ tỉnh, bên cạnh một số DN hiện đã khởi sắc về đơn hàng, vẫn còn những DN hoạt động cầm chừng. Do đó, khi thay đổi các chính sách, DN cần đối thoại với NLĐ để báo cáo tình hình, kế hoạch sản xuất để công nhân hiểu, chia sẻ cùng DN vượt khó.

Trong thông báo, công ty cũng cho biết tình hình kinh tế hiện tại rất khó khăn, công ty sẽ cố gắng duy trì cho NLĐ có công ăn việc làm ổn định. Sau khi nhận được thông báo và công ty giải thích cặn kẽ, công nhân trở lại làm việc và hoạt động sản xuất của công ty đã ổn định.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngừng việc tại 3 DN liên quan đến việc thưởng Tết năm 2024 thấp hơn năm ngoái. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tới DN vận động công nhân trở lại làm việc; đồng thời, thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về các kiến nghị của tập thể công nhân. Sau các sự việc diễn ra, công nhân đã trở lại làm việc bình thường, song việc đình công đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.

* Tăng cường đối thoại

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ đình công tại DN với hơn 1 ngàn công nhân tham gia (giảm 15 vụ so với năm 2022). Nguyên nhân đình công liên quan đến mức thưởng tết, việc thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ khi cắt giảm lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật và thái độ ứng xử của cán bộ quản lý... Khi tranh chấp lao động, ngừng việc tự phát xảy ra, nhiều phương án do Công đoàn đưa ra được tập thể lao động và người sử dụng lao động chấp thuận.

Tuy nhiên, các vụ đình công vẫn để lại hậu quả gây ngừng trệ trong sản xuất và bất ổn quan hệ lao động mà nguyên nhân chính vẫn là việc thực hiện chế độ cho NLĐ. Do đó, việc giám sát DN thực hiện đúng các chính sách và thỏa ước lao động tập thể cần được chặt chẽ hơn. Thực tế, hiện nhiều nơi, việc ký thỏa ước lao động tập thể còn gặp khó khăn; chất lượng thỏa ước lao động tập thể không cao, chủ yếu sao chép các quy định của pháp luật lao động, ít có những điều khoản có lợi hơn so với quy định pháp luật cho NLĐ. Do đó, NLĐ vẫn bị thiệt thòi quyền lợi.

Tăng đối thoại sẽ giúp công nhân yên tâm làm việc, quan hệ lao động ổn định. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai
Tăng đối thoại sẽ giúp công nhân yên tâm làm việc, quan hệ lao động ổn định. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai

Thời gian qua, ở những DN thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại định kỳ với NLĐ, tình hình quan hệ lao động luôn ổn định, NLĐ làm việc trách nhiệm và gắn bó.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (huyện Long Thành) Đỗ Nguyên Phương cho hay, ngay từ đầu năm, Công đoàn đã phối hợp với DN tổ chức hội nghị NLĐ để lắng nghe kiến nghị của tập thể lao động. Những kiến nghị chính đáng của NLĐ là cơ sở để DN thay đổi các chính sách, giúp công nhân yên tâm sản xuất và gắn bó.

Tại hội nghị giao ban các ngành nghề cuối năm 2023, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý lưu ý các Công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình quan hệ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách với NLĐ của các DN. Đẩy mạnh giám sát việc DN thực hiện tiền lương, thưởng, phúc lợi, môi trường làm việc… để kịp thời báo cáo Công đoàn cấp trên nắm tình hình và tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có phương án giải quyết khi nảy sinh các vấn đề phức tạp, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, DN tăng cường đối thoại, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của NLĐ. Việc đối thoại sẽ là kênh để công nhân hiểu hơn những khó khăn của DN và cùng chia sẻ, tránh để mâu thuẫn, đỉnh điểm là đình công xảy ra. Cùng với đó, tuyên truyền tới NLĐ, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn để duy trì ổn định và phát triển, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xung đột dẫn tới tranh chấp lao động, gây ảnh hưởng đến DN cũng an ninh chính trị.

Lan Mai

Tin xem nhiều