Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng Nai là tỉnh trọng điểm được chọn để xây dựng thiết chế Công đoàn nhằm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần người lao động (NLĐ).
Công nhân tham gia các hoạt động giải trí do Công đoàn và doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: N.HÒA |
Tuy nhiên đến nay, đề án vẫn chưa được xây dựng do nhiều nguyên nhân. Vì thế, hơn 1,3 triệu lao động tại Đồng Nai vẫn đang chờ đợi có địa điểm giải trí để nâng cao đời sống tinh thần sau giờ tan ca.
Đời sống tinh thần còn thiếu thốn
Gần 2 năm nay, anh Trần Khánh Dương, công nhân Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (Khu công nghiệp Amata), vẫn kiên trì tham gia các hội thao do Công đoàn và doanh nghiệp tổ chức. Anh Dương cho biết, để giúp công nhân nâng cao đời sống tinh thần, hàng năm, công ty tổ chức hội thao với đa dạng các môn thi đấu như: bóng đá, kéo co, nhảy bao bố… Đây là sân chơi bổ ích để công nhân có dịp giao lưu, rèn luyện sức khỏe, tái tạo sức lao động.
Tuy nhiên, theo anh Dương, nhu cầu giải trí của công nhân rất lớn nhưng mỗi năm chỉ tham gia hội thao được một lần là quá ít. Trong khi đó, gần các khu công nhân, công nhân không có địa điểm để giải trí, tập luyện thể thao.
“Chúng rôi rất mong tại Đồng Nai có thiết chế văn hóa gần khu công nghiệp để công nhân có nơi gặp gỡ, giao lưu. Nhiều công nhân sáng đến nhà máy, chiều về phòng trọ ngủ nghỉ. Do đời sống văn hóa nghèo nàn, ít tiếp xúc, vận động bên ngoài khiến họ sống khép kín hơn”- anh Dương bộc bạch.
Thiết chế Công đoàn là một tổ hợp công trình phục vụ cho NLĐ. Đây không chỉ là vấn đề an sinh xã hội góp phần thúc đẩy đoàn viên, NLĐ gắn bó với doanh nghiệp, tạo nguồn lực lao động tốt mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn.
Còn chị Mai Thị Dung, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom), cho biết nhiều lao động xa quê đang chọn những căn phòng trọ xuống cấp, giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Mặc dù biết nơi ở an ninh không đảm bảo, thiếu không gian giải trí nhưng trong bối cảnh thu nhập còn thấp, công nhân không còn lựa chọn nào khác.
Chị Dung bộc bạch: “Nhiều năm nay, chúng tôi vẫn nghe đến dự án xây nhà ở xã hội cho lao động thu nhập thấp, xây dựng thiết chế Công đoàn nhưng thực tế không biết đến bao giờ công nhân mới được hưởng thụ”.
Một khảo sát mới đây của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, NLĐ đang sống trong các phòng trọ chật chội, nóng bức với tiền thuê từ khoảng 800 ngàn đến 1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động có thu nhập thấp đang trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội giá rẻ để họ có thể mua căn hộ trả góp, phù hợp thu nhập. Trong năm 2022 và 2023, thu nhập của NLĐ bị giảm sâu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Toàn tỉnh hiện có trên 450 ngàn lao động đang ở trọ. Cùng với nỗi lo chi phí sinh hoạt, tiền thuê trọ và giá cả leo thang, nhiều công nhân phải suy nghĩ tính toán, cân đo, đong đếm mới đủ chi tiêu hàng tháng. Do đó, NLĐ trên địa bàn tỉnh hy vọng nhiệm kỳ 2023-2028, thiết chế Công đoàn tại Đồng Nai sẽ sớm được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở giúp họ nâng cao đời sống, yên tâm sản xuất.
Đẩy nhanh xây dựng thiết chế Công đoàn
Ngay khi có chủ trương xây dựng thiết chế Công đoàn tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã chấp thuận về mặt chủ trương cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng tại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội có diện tích trên 2,3 hécta tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom). Theo kế hoạch, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 tỷ đồng, bao gồm khu nhà ở liền kề 3 tầng, 3 khu chung cư 15 tầng; nhà đa năng 2 tầng, nhà dịch vụ
2 tầng… Tổng số căn hộ xây dựng được là 700 căn, phục vụ cho 1.350 người.
Năm 2022, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều đợt làm việc với Đồng Nai nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, phục vụ nhu cầu an cư, sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của NLĐ. Dự kiến quý III-2022 bắt đầu khởi công và hoàn thành trong quý III-2024. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết quý II-2024 nhưng dự án vẫn chưa được khởi công. Nguyên nhân, theo Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn, còn một số vướng mắc như: cơ chế, chính sách, lập quy hoạch đất, điều chỉnh, bàn giao đất…
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương nêu thực trạng xây dựng thiết chế văn hóa của tổ chức Công đoàn còn rất nhiều khó khăn do vướng từ cơ chế quản lý, liên doanh, liên kết, rào cản thủ tục pháp lý... Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trâm đề nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có giải pháp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát lại tổng thể để điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, giúp thiết chế Công đoàn hoạt động tốt, phục vụ đời sống tinh thần NLĐ.
Thiết chế Công đoàn được xem là “bộ mặt” của tổ chức Công đoàn trong chăm lo đoàn viên, NLĐ. Việc đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động thiết chế này sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai chậm đã không đáp ứng sự kỳ vọng của NLĐ. Hy vọng tới đây, các ngành chức năng sẽ có giải pháp tháo gỡ để thiết chế Công đoàn được khởi công xây dựng, giải tỏa được bức xúc cũng như mong chờ của phần lớn NLĐ.
Nguyễn Hòa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin