Trong những tháng cuối năm 2024, nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc. Thị trường lao động khởi sắc đang tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động (NLĐ).
Các doanh nghiệp tăng cường tuyển lao động phục vụ sản xuất tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: L.Mai |
Tuy nhiên, theo đại diện các DN, tình hình tuyển dụng lao động đang gặp khó khăn, nhất là lao động phổ thông ở các ngành nghề.
Tăng phúc lợi để hút lao động
Ghi nhận tại các phiên giao dịch việc làm gần đây cho thấy, thị trường lao động đang có những đối nghịch về cung - cầu. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN tăng cao nhưng số lao động đến phỏng vấn, tìm việc rất hạn chế. Nhiều DN tăng các phúc lợi và có chế độ thưởng đối với lao động mới để thu hút nhân lực.
Tham gia sàn giao dịch việc làm đầu tháng 8 vừa qua để tìm nguồn nhân lực, đại diện Công ty TNHH Sunjin Vina (huyện Trảng Bom) cho biết, công ty đang liên tục tuyển nhiều lao động ở các vị trí: nhân viên bảo trì, nhân viên vận hành máy, kế toán tài chính, kế toán thanh toán, nhân viên kinh doanh thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật trại heo ở các nhà máy thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh… Dù đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn, song công ty chỉ nhận vài chục bộ hồ sơ của NLĐ nộp phỏng vấn.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội dự báo năm 2024, DN trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động. Trong đó, 44% lao động không qua đào tạo, 19% có trình độ đại học trở lên và khoảng 37% có trình độ trung cấp, cao đẳng.
Bà Trần Thị Thanh Ý, Giám đốc Nhân sự công ty, cho hay với tình hình sản xuất ổn định và đang mở rộng thêm quy mô, DN đang cần thêm nhiều lao động ở các vị trí trên. Tuy nhiên, tình hình chung hiện nay là các DN đều gặp khó khăn trong tuyển dụng, số lao động tuyển được không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Đây là thách thức lớn của DN và nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất các đơn hàng đã ký những tháng cuối năm 2024.
Tương tự, Công ty TNHH Chang Dae Vina (thành phố Biên Hòa) cũng liên tục tham gia sàn giao dịch việc làm để tìm nhân lực. Trưởng phòng Nhân sự công ty Nguyễn Ngọc Thủy Tiên cho hay, thực trạng hiện nay là lượng lao động trẻ nhiều nhưng dễ “nhảy việc” nên số lượng lao động vào - ra không ổn đinh. Nhiều lao động vào làm một thời gian, khi quen việc lại xin nghỉ về quê hoặc chuyển qua việc khác. Do đó, nhiều DN rơi vào tình trạng hụt hẫng và xoay chuyển không kịp khi các xưởng sản xuất thiếu lao động.
Tại sàn giao dịch việc làm diễn ra ngày 12-8, có 20 đơn vị đăng ký tham gia tuyển dụng với nhu cầu trên gần 1,4 ngàn lao động. Tuy vậy, chỉ có khoảng 400 lượt người tham gia tư vấn việc làm và phỏng vấn. Mặc dù nhu cầu tuyển lao động phổ thông chiếm trên 80% nhưng số lao động tiếp nhận chỉ đáp ứng 20% so với nhu cầu.
Nhiều vị trí việc làm vẫn đợi NLĐ
Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội, dự báo trong những tháng cuối năm 2024, toàn tỉnh có gần 1,4 ngàn DN có nhu cầu tuyển dụng lao động với gần 40 ngàn người. Trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 40%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng khoảng 10%, còn lại có chứng chỉ nghề, sơ cấp và trung cấp chuyên nghiệp.
Các doanh nghiệp tuyển lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh:L.Mai |
Các lĩnh vực, ngành nghề tuyển lao động nhiều là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất dệt may giày da, thiết bị công nghiệp, các sản phẩm từ gỗ. Vị trí tuyển dụng nhiều như: thợ may, thợ chế biến thực phẩm, thợ vận hành máy, thợ cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử… Ngoài lao động phổ thông, các DN còn tìm kiếm lao động kỹ thuật, có tay nghề, nhất là ngành cơ khí chế tạo.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, thời gian qua, nhiều DN bố trí nhân lực về các tỉnh tuyển lao động. Bên cạnh đó, liên kết các trường nghề, trường đại học nhận sinh viên vào thực tập, thử việc nhằm giải được bài toán thiếu hụt lao động, nhất là lao động đòi hỏi về kỹ thuật, điện, cơ khí. Những sinh viên vào thực tập ngoài cơ hội trải nghiệm công việc thực tế, trong quá trình thực tập còn được nhận phụ cấp, hỗ trợ cơm trưa và nhiều đãi ngộ khác.
Đại diện Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC) cho hay, hàng năm khối phòng kỹ thuật, kế hoạch, sản xuất đều tuyển lao động. Với tình trạng tuyển lao động khó khăn, DN liên kết với các trường đại học nhận sinh viên vào thực tập có trả lương và sẵn sàng bố trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp với mức lương ưu đãi. Đa số sinh viên được tuyển dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu của DN, mà còn gắn bó hơn so với lao động do DN tự tuyển.
Theo các DN, một trong những nguyên nhân thiếu lao động là NLĐ nghỉ việc nhiều để rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc “nhảy việc”. Mặt khác, lao động ở khu vực Tây Nguyên sau thời gian xuống Đồng Nai làm việc lại xin nghỉ về quê làm rẫy khi vào mùa vụ cà phê, hồ tiêu nên DN khó tìm nguồn lao động “đắp” vào khoảng trống này. Trong khi đó, lao động mới tuyển phải mất quá trình đào tạo tay nghề mới có thể thích ứng với công việc.
Trong những tháng cuối năm, đơn hàng tăng song tình trạng khan hiếm lao động khiến các DN lo lắng. DN mong muốn địa phương cũng như các sở, ngành có giải pháp kết nối lao động, giúp DN đáp ứng nhân lực cũng như mở rộng sản xuất.
Để đáp ứng nguồn lực cho các DN sản xuất các đơn hàng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết, sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đẩy mạnh các sàn giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động; đồng thời, tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng trên các phương tiện truyền thông để người lao động, nhất là lao động thất nghiệp, bị mất việc làm biết, phỏng vấn, sớm trở lại thị trường lao động.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin