Luật Công đoàn năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị Lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức mới đây. Ảnh: L.Mai |
Tuy nhiên, luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ để hoàn thiện, tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Tạo thuận lợi cho hoạt động Công đoàn
Tại Hội nghị Lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu thống nhất Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cụ thể hóa về quyền đại diện của Công đoàn. Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để hoàn thiện dự án luật như: quyền gia nhập tổ chức Công đoàn; quy định về quyền đại diện khởi kiện của Công đoàn cấp trên cơ sở; bảo đảm về tổ chức, các điều kiện cho cán bộ Công đoàn hoạt động; quy định về quyền giám sát của tổ chức Công đoàn; tài chính Công đoàn...
Đặc biệt, các đại biểu nêu ý kiến, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ), đoàn viên ngày càng tăng thì nhiệm vụ của Công đoàn thêm nặng nề nhưng biên chế Công đoàn lại rất thấp so với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Do đó, cần trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ theo hướng xây dựng định mức, khung tiêu chí xác định số lượng cán bộ chuyên trách trên cơ sở số lượng tổ chức Công đoàn, đoàn viên, NLĐ theo địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra trong tháng 10 và 11-2024. Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 5 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn năm 2012. Một số nội dung thay đổi chủ yếu như: sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. |
Đóng góp ý kiến về quy định thời gian làm việc của cán bộ Công đoàn không chuyên trách, Liên đoàn Lao động tỉnh thống nhất giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể, đối với chủ tịch, phó chủ tịch Công đoàn cơ sở được sử dụng 24 giờ làm việc trong tháng; 12 giờ làm việc trong một tháng đối với ủy viên ban chấp hành, tổ trưởng Công đoàn để làm công tác và được người sử dụng lao động trả lương. Việc đề xuất xác định tổng thời gian làm việc của cán bộ Công đoàn trên cơ sở số lượng đoàn viên phải đảm bảo phù hợp, không suy giảm hơn so với quy định hiện hành hoặc “cào bằng”.
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với việc giữ 2% kinh phí Công đoàn nhằm bảo đảm phúc lợi cho NLĐ. Về tài chính, cần đảm bảo Công đoàn được chủ động, giảm bớt các thủ tục hành chính.
Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần đưa ra mức quy định chung về thu đoàn phí cho cả hệ thống Công đoàn. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho Công đoàn cơ sở mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động Công đoàn và được sử dụng tài chính Công đoàn để xây dựng Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.
Hướng tới chăm lo quyền lợi của người lao động
Tại Hội thảo Lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn; quy định rõ điều kiện bảo đảm hoạt động Công đoàn; bổ sung các quy định về quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn... để đảm bảo Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Ngoài ra, nâng cao vai trò của Công đoàn trong bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Các cán bộ Công đoàn cho rằng, trọng tâm của Luật Công đoàn (sửa đổi) cần hướng đến việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt, cần đơn giản hóa các thủ tục pháp lý khi tổ chức Công đoàn đại diện cho NLĐ tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ tại phiên tòa. Bởi quy định hiện nay, tổ chức Công đoàn phải được ủy quyền của NLĐ mới được tham gia phiên tòa.
Đại diện Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa cho hay, NLĐ trực tiếp tham gia làm ra của cải vật chất cho đơn vị, DN, cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, quyền và lợi ích của họ vẫn còn bị xâm phạm, nhất là việc DN nợ bảo hiểm xã hội. Do vậy, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có chế tài mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Ngoài ra, cần hoàn thiện, bổ sung theo hướng quyền lợi của NLĐ khi DN chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nợ lương hoặc thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản, xử lý vi phạm đối với DN.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Công đoàn, bên cạnh những kết quả đạt được, luật xuất hiện nhiều yêu cầu đòi hỏi phải tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển và hội nhập quốc tế. Cụ thể, đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn. Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ chưa phù hợp với thực tiễn.
Việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả. Các ý kiến đóng góp vào các quy định trong dự thảo luật đều hướng tới mục tiêu khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua sẽ giúp cho hoạt động của tổ chức Công đoàn mạnh hơn, hiệu quả hơn, thu hút, tập hợp NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin