Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm chất lượng sống của người lao động

Lan Mai
08:27, 11/10/2024

Từ đầu năm đến nay, mặc dù các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã khôi phục sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ), song lao động ở một số ngành nghề vẫn khó khăn do DN đơn hàng giảm.

Công nhân lao động sau giờ tan ca. Ảnh: L.Mai
Công nhân lao động sau giờ tan ca. Ảnh: L.Mai

Báo cáo của các cấp Công đoàn trong tỉnh cho hay, tính đến giữa tháng 9-2024, có hơn 11 ngàn đoàn viên, NLĐ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do DN gặp khó khăn buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Do đó, NLĐ mong muốn có các chính sách hỗ trợ, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2025 sắp tới.

Cần có giải pháp giữ chân người lao động

Năm 2024, chị Lý Thị Mẫn (quê tỉnh An Giang) có 2 con, một bé 6 tuổi và một bé 9 tuổi, bước vào năm học mới. Đầu tháng 9 vừa qua, chị Mẫn phải tiết kiệm chi tiêu mới đủ tiền đóng học phí cho con. Chị Mẫn cho biết, vợ chồng chị đều làm công nhân sản xuất gỗ tại Đồng Nai được 7 năm. Hơn 3 tháng qua, việc ít, thu nhập giảm nên tiền tích lũy không có. Nhiều lao động ở cùng dãy trọ với chị cũng nghỉ việc về quê làm lao động tự do.

“Dãy trọ tôi cư trú trước đây có 21 người, nay còn 11 người. Số còn lại đến các tỉnh khác làm việc hoặc về quê. Hiện cả vợ chồng tôi thu nhập chỉ còn hơn 10 triệu đồng/tháng. Đến tháng trả tiền thuê phòng trọ, tiền học cho con, sinh hoạt phí có khi không đủ. Hy vọng những tháng cuối năm, DN sẽ có đơn hàng để đảm bảo việc làm cũng như lương, thưởng Tết cho NLĐ” - chị Mẫn bày tỏ.

Còn anh Nùng A Lìn (quê tỉnh Cao Bằng) chọn ở trong căn phòng trọ chật hẹp tại Khu công nghiệp Tam Phước để làm công nhân. Anh Lìn cho hay, 6 năm làm công nhân, thu nhập của anh được gần 7 triệu đồng/tháng. Hơn 2 tháng qua, thu nhập giảm còn 4,5 triệu đồng/tháng do giảm giờ làm. Mong ước của anh, ngoài có việc làm ổn định, sẽ được hỗ trợ vé xe về quê thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, từ sau đại dịch Covid-19, một lượng lớn lao động dịch chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh, ước khoảng 50-60 ngàn người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Năm 2023, NLĐ tiếp tục đối diện với khó khăn khi các đơn hàng giảm, DN hoạt động cầm chừng.

Trong khi đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, tính riêng lao động ở các khu công nghiệp giảm gần 16 ngàn người do có sự dịch chuyển đi các nơi. Hiện các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã hình thành các khu công nghiệp nên công nhân di chuyển về quê làm việc thuận lợi hơn so với cuộc sống nhà trọ chật hẹp ở Đồng Nai. Việc dịch chuyển công nhân về các nơi báo hiệu sự thay đổi, nhất là DN sẽ thiếu lao động phổ thông phục vụ sản xuất. Do đó, cần phải quan tâm hơn tới chất lượng lao động và đời sống của họ.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, từ nay đến cuối năm 2024, đơn vị chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh chủ động nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng dịp Tết. Nắm chắc tình hình đoàn viên, NLĐ thiếu việc, mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Quan tâm cải thiện đời sống người lao động

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo các DN, các cấp Công đoàn trong tỉnh rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, NLĐ. Từ đó, không những giúp NLĐ yên tâm gắn bó, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, để đời sống NLĐ ngày càng được cải thiện, cần nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương, nhất là vấn đề nhà ở, nơi gửi trẻ, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục… Hiện nhiều lao động ở trọ trong những căn phòng chật hẹp, xuống cấp nhưng các dự án nhà ở xã hội cho lao động có thu nhập thấp còn “nhỏ giọt”. Bên cạnh đó, thủ tục để NLĐ thuê, mua nhà ở xã hội còn phức tạp, chưa được thông thoáng để họ dễ tiếp cận. Do đó, khi cuộc sống bí bách, thu nhập giảm, NLĐ lựa chọn về quê làm việc thay vì gắn bó với DN và địa phương.

Để giữ chân NLĐ, một số DN chú trọng cải thiện môi trường làm việc, đầu tư xây dựng ký túc xá, sân thể thao phục vụ nhu cầu của NLĐ. Điển hình mới đây, Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) đã chính thức đưa vào sử dụng Trung tâm Phức hợp GWP, phục vụ nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, mua sắm cho 10 ngàn NLĐ. Trung tâm Phức hợp GWP gồm các phòng chức năng như: phòng Công đoàn, phòng họp chi bộ, phòng trợ giúp pháp lý, siêu thị, giải trí, phòng y tế... Đối với các phòng còn lại, các nhân viên trực thường xuyên để lắng nghe, giải đáp thắc mắc của NLĐ về chế độ, chính sách…

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hwaseung Vina cho biết, đây là bước tiến vượt bậc của công ty trong việc mang lại không gian làm việc hiện đại và thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, NLĐ. Qua đó đã khẳng định mạnh mẽ cam kết của công ty trong việc tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời cho NLĐ trên địa bàn huyện Nhơn Trạch; đồng thời, mong muốn những tiện ích mang lại sẽ giúp NLĐ tiếp tục gắn bó và cống hiến lâu dài cho DN trong những năm tới.

Ngoài ra, các DN coi trọng các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Hữu hạn công nghiệp Broad Bright (huyện Trảng Bom) Nguyễn Trường Thọ cho biết, cuối năm, công ty đã ký được các đơn hàng, bảo đảm việc làm cho hàng trăm lao động đến quý I-2025. Lãnh đạo DN rất quan tâm đến các chính sách về lương, thưởng, đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Từ đó thúc đẩy công nhân thi đua sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị; đồng thời, giữ chân được NLĐ và thu hút thêm lao động mới.

Những mô hình trên đã mang lại nhiều phúc lợi cho NLĐ, song với một tỉnh công nghiệp, đông công nhân lao động như Đồng Nai thì vẫn còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu và mong muốn của công nhân.  

Lan Mai

Tin xem nhiều