Báo Đồng Nai điện tử
En

Công đoàn lắng nghe chia sẻ của công nhân

Lan Mai
07:00, 02/11/2024

Sẵn sàng lắng nghe người lao động (NLĐ) chia sẻ để có những mô hình chăm lo hiệu quả hay luôn sát cánh hỗ trợ khi đoàn viên gặp khó khăn… là những cách làm của các Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai.

Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (huyện Long Thành) luôn thấu hiểu, lắng nghe công nhân chia sẻ.
Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (huyện Long Thành) luôn thấu hiểu, lắng nghe công nhân chia sẻ. Ảnh:T.My

Theo các cán bộ Công đoàn, việc chủ động lắng nghe đề xuất, trăn trở của NLĐ sẽ giúp cán bộ Công đoàn thấu hiểu. Từ đó tạo chỗ dựa tinh thần vững chắc cho NLĐ.

Sâu sát, thấu hiểu công nhân

Những năm qua, CĐCS Công ty TNHH Quadrille Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) luôn đổi mới hoạt động và nhận được sự tin tưởng của NLĐ.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch CĐCS công ty, thường xuyên tiếp xúc với NLĐ tại xưởng sản xuất nên hơn ai hết, bà hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ. Từ đó có những đề xuất chính đáng với chủ DN nhằm cải thiện phúc lợi cho NLĐ.

Cụ thể, nếu các năm trước, NLĐ phải làm tất cả các ngày thứ bảy trong tuần thì từ năm 2019, công ty cho công nhân được nghỉ 8 ngày thứ bảy/năm nhằm tăng thời gian nghỉ ngơi, nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ.

Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng và vấn đề lương, thưởng Tết của NLĐ trong những tháng cuối năm. Đồng thời, khảo sát những lao động đón Tết xa quê để tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời, hỗ trợ vé xe, phương tiện đi lại để lao động xa quê lâu năm có điều kiện về quê sum vầy cùng gia đình.

“Để có được chính sách này, Ban Chấp hành CĐCS công ty đã kiên trì thương lượng trong rất nhiều cuộc đối thoại với chủ DN. Trong đó, CĐCS cố gắng phân tích để chủ DN hiểu rằng, việc có thêm thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp NLĐ cải thiện sức khỏe, tinh thần thoải mái. Từ đó, họ sẽ có thêm động lực, sức khỏe để làm việc năng suất hơn. Trước mỗi lần đối thoại, CĐCS đều lấy ý kiến của NLĐ và đa số đều gửi gắm  niềm tin vào Công đoàn” - bà Hoa chia sẻ.

CĐCS cũng duy trì việc tuyên truyền các chế độ, chính sách và nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy chế của công ty đến NLĐ thông qua loa phát thanh nội bộ. Khuyến khích công nhân thi đua lao động sản xuất để giúp DN ngày càng phát triển.

Còn tại Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai (huyện Long Thành), CĐCS đã trở thành điểm tựa vững chắc của NLĐ bởi những hoạt động thiết thực. Gần 20 năm gắn bó với công ty, anh Phan Đình Nhạn cho biết, anh rất hài lòng với những cách làm mới của CĐCS và những chính sách mà công ty dành cho NLĐ. Bên cạnh đó, cán bộ CĐCS luôn gần gũi với NLĐ, tạo động lực lớn để NLĐ yên tâm làm việc.

“Chúng tôi được tham gia các lớp tuyên truyền về pháp luật lao động, văn hóa doanh nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp. Ngoài ra, được tham gia ý kiến và được đại diện CĐCS, lãnh đạo DN giải đáp kịp thời. Đặc biệt, điều mà tôi và nhiều NLĐ phấn khởi là cán bộ Công đoàn luôn sâu sát, hỗ trợ khi công nhân cần hoặc gặp khó khăn” - anh Nhạn nói.

Theo đại diện CĐCS Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai, để NLĐ tin tưởng vào Công đoàn thì cán bộ Công đoàn phải luôn đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu. Hoạt động Công đoàn muốn mạnh cần có sự đồng lòng, đồng thuận của NLĐ. Đặc biệt, khi NLĐ được nói lên tiếng nói của mình qua hội nghị người lao động, qua các lần đối thoại định kỳ sẽ tạo được sự đoàn kết trong tập thể.

Hiểu được đời sống, mong muốn và sự kỳ vọng của NLĐ, CĐCS Công ty TNHH Wacoal Việt Nam (thành phố Biên Hòa) luôn khéo léo thương lượng với chủ DN nhiều chính sách cao hơn luật và đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Cụ thể, công ty đã trang bị phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ; hỗ trợ công nhân 2 triệu đồng/năm để học tập, nâng cao kiến thức; khen thưởng lao động có thâm niên làm việc; mỗi năm DN cho công nhân nghỉ một tuần để đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình...

Trăn trở trước khó khăn của người lao động

Tại các hội nghị giao ban CĐCS các ngành nghề do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hàng năm, nhiều cán bộ CĐCS đóng góp các ý kiến tâm huyết nhằm truyền tải tâm tư, nguyện vọng của NLĐ đến Công đoàn cấp trên. Trong đó nhấn mạnh vấn đề tạo việc làm bền vững, vấn đề thu nhập, đời sống của NLĐ. Cùng với đó là đề xuất các chính sách hỗ trợ NLĐ mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập, lao động gặp khó khăn do DN giảm đơn hàng.

Các cán bộ Công đoàn còn nêu trăn trở của NLĐ về vấn đề nhà ở, nhà trọ, khu vực giải trí, trường học cho con của NLĐ, vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội…

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Gỗ Tân Dương (Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa) Trần Thị Bích Lài cho hay, ảnh hưởng của kinh tế thế giới đến nay vẫn khiến ngành gỗ bị giảm đơn hàng và phục hồi rất chậm. Kéo theo đó, việc làm của NLĐ vẫn gặp nhiều khó khăn và cần có nhiều giải pháp để hỗ trợ.

Theo bà Lài, CĐCS rất chia sẻ với những khó khăn của NLĐ, nhất là thu nhập chưa đảm bảo mức sống hiện nay. Họ phải lo tiền trọ, tiền học cho con, tiền sinh hoạt phí… Do đó, các cấp chính quyền, tổ chức Công đoàn cần có thêm chính sách hỗ trợ NLĐ. Ngoài ra, cần quan tâm đến nhà ở, nhu cầu hưởng thụ văn hóa và duy trì việc làm bền vững cho NLĐ.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Wacoal Việt Nam (Khu công nghiệp Amata) Đặng Thị Hoàng Lan cho biết, việc thương lượng thành công những nội dung có lợi cho NLĐ vào thỏa ước lao động tập thể rất quan trọng. Đây cũng là công cụ để CĐCS bảo vệ cũng như giám sát việc thực hiện các chính sách của DN đối với công nhân. Từ đó, đời sống của NLĐ sẽ nâng cao hơn.

Lan Mai

Tin xem nhiều