Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động

Thảo My
08:23, 12/11/2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai tiếp tục nợ lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động (NLĐ) kéo dài. Theo đó, quyền lợi của nhiều lao động bị thiệt thòi, thậm chí có trường hợp rơi vào hoàn cảnh khốn đốn vì các chế độ, chính sách không được giải quyết.

Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn pháp luật, hỗ trợ cán bộ Công đoàn cơ sở thảo đơn khiếu nại doanh nghiệp trả lương không đúng quy định. Ảnh: T.My
Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) tư vấn pháp luật, hỗ trợ cán bộ Công đoàn cơ sở thảo đơn khiếu nại doanh nghiệp trả lương không đúng quy định. Ảnh: T.My

Trước thực trạng trên, Công đoàn các cấp phối hợp với những ngành có liên quan đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Nhiều công nhân bị thiệt thòi quyền lợi

Cuối tháng 10 vừa qua, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Kobelco E&M Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã làm đơn khởi kiện DN ra tòa để giải quyết tranh chấp lao động tập thể liên quan đến tiền lương. Từ tháng 7-2024 đến nay, DN lấy lý do dịch bệnh và căng thẳng chiến sự trên thế giới nên không có đơn hàng, không thể bố trí việc làm và buộc NLĐ ngừng việc theo lịch nghỉ của công ty. Tuy nhiên, DN không thỏa thuận với NLĐ mà tự đưa ra mức lương chêch lệch, gây thiệt thòi cho NLĐ.

Theo ông Trần Huy Bình, Chủ tịch Công đoàn công ty, trước tình trạng trên, NLĐ đã phản ánh, kiến nghị và Công đoàn cơ sở đã tiến hành đối thoại với lãnh đạo công ty, nhưng không thành công. Do đó, Công đoàn cơ sở đã đại diện NLĐ tìm đến các ngành chức năng nhờ hỗ trợ, buộc công ty thanh toán tiền lương chênh lệch giữa lương thực tế và tiền lương áp dụng trả cho NLĐ là trên 5,5 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền yêu cầu công ty trả thêm từ tháng 7 đến 9-2024 là trên 833 triệu đồng.

Theo luật sư VŨ NGỌC HÀ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, đa số NLĐ tìm đến trung tâm do bị ảnh hưởng đến quyền lợi trong quá trình làm việc như: DN nợ lương, cho nghỉ việc không đúng quy định, nợ BHXH… Trung tâm tiếp nhận phán ánh của NLĐ, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và theo đuổi các vụ việc đến cùng để đòi lại công bằng, quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

“Thời gian qua, nhiều lao động vì mức lương thấp nên cuộc sống rất khó khăn, thu nhập không đảm bảo tiền thuê nhà trọ, sinh hoạt và nuôi con ăn học. Trước tâm tư, hoàn cảnh thực tế của NLĐ, Công đoàn tìm đến các ngành chức năng để đòi quyền lợi chính đáng cho công nhân và mong muốn DN thực hiện các chính sách theo đúng quy định của pháp luật lao động” - ông Bình trăn trở.

Cũng trong tháng 10, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam (thành phố Long Khánh, chuyên sản xuất túi xách da, ví da) bức xúc vì DN ra thông báo 2 lần xin hoãn thanh toán 50% tiền lương còn lại của tháng 8-2024. Ngoài ra, công ty nợ BHXH của NLĐ từ tháng 9-2019 đến nay với số tiền hơn 42 tỷ đồng, nợ phí Công đoàn… với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, các ngành chức năng cũng như tổ chức Công đoàn liên tục làm việc với lãnh đạo DN đề nghị giải quyết các khoản nợ này.

Trước đó, cuối tháng 9-2024, gần 200 công nhân lao động làm việc tại 2 DN sản xuất gạch men (tại phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn vì DN nợ lương và BHXH hơn 2 tỷ đồng. Vì không có thu nhập, NLĐ đội nắng đợi nhiều tuần liền ngay cổng công ty để mong chủ DN chi trả lương; đồng thời, tìm đến các ngành chức năng cầu cứu. Sau khi các ngành chức năng vào cuộc làm việc và các cơ quan báo chí phản ánh, các DN đưa ra thông báo sẽ giải quyết lương và chốt số bảo hiểm cho NLĐ đã nghỉ việc trong tháng 11-2024.

Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người lao động

Thời gian qua, ngoài vấn đề nợ lương, BHXH, nhiều công nhân phản ánh tình trạng DN cho lao động lớn tuổi, thu nhập cao nghỉ việc. DN đưa ra lý do đơn hàng giảm, sản xuất khó khăn để thỏa thuận với NLĐ hỗ trợ một khoản tiền hoặc chuyển NLĐ qua bộ phận khác không phù hợp với tay nghề và sức khỏe. Theo đó, những lao động tuổi trên 40 được chuyển qua công việc nặng nhọc và khi họ không thể làm việc sẽ tự viết đơn xin nghỉ việc.

Anh N.T.V, làm việc tại một DN điện tử ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, cho biết anh từng làm chuyền trưởng với thu nhập 16 triệu đồng/tháng. Từ tháng 6-2024, DN thông báo gặp khó khăn về đơn hàng và thỏa thuận với NLĐ chuyển qua bộ phận sản xuất. Tuy nhiên tại đây, anh phải làm nhiều công việc nặng nhọc, thậm chí đưa ra chỉ tiêu sản phẩm cao khiến anh không đủ sức làm việc, phải viết đơn xin nghỉ việc. Hiện nguồn thu nhập chính của anh nhờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, các cấp Công đoàn đã sâu sát cơ sở, bố trí cán bộ tham gia cùng các ngành chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại DN. Cùng với đó, làm việc với các DN nợ lương, BHXH của NLĐ và đề nghị chi trả theo đúng quy định pháp luật lao động. Công đoàn các cấp tăng cường nắm tình hình quan hệ lao động, số lao động đang nghỉ việc nhưng chưa có việc làm mới để kiến nghị các giải pháp hỗ trợ kịp thời; đồng thời, kết nối các DN tuyển dụng để giới thiệu việc làm cho NLĐ bị mất việc sớm ổn định cuộc sống.

Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tăng cường hỗ trợ pháp lý cho NLĐ. Riêng 9 tháng của năm 2024, trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ pháp lý gần 3 ngàn công nhân lao động với các nội dung như: tiền lương, hợp đồng lao động, chế độ BHXH, tai nạn lao động... Quá trình tư vấn đã hỗ trợ thảo đơn khởi kiện cho 529 NLĐ. Ngoài ra, đại diện theo ủy quyền của NLĐ tham gia tố tụng tại tòa với 4 vụ thắng kiện liên quan đến BHXH, giúp công nhân đòi lại số tiền gần 162 triệu đồng.

Thảo My

Tin xem nhiều
Hướng dẫn tìm việc tại VietnamWorks